• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

Tháp Poklong Garai sừng sững giữa nắng gió Phan Rang

Giới thiệu về tháp Chàm Poklong Garai Ninh Thuận

Tháp Chàm Poklong Garai hay Pôklong Garai là quần thể tháp Chăm nằm trên đồi Trầu.  Nơi đây cách trung tâm thành phố Phan Rang  khoảng 8km về phía Tây Bắc.
Quần thể tháp sừng sững trên đỉnh đồi. Ảnh @kin_autt
Công trình này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14. Đây là thời trị vì của vua Shihavaman để thờ vua Po Klong Garai (1151 – 1205). Vị vua này đã có công lớn đưa đất nước Chăm được hưng thịnh, nhân dân được ấm no. Trong đó có cả việc xây dựng hệ thống dẫn nước cho nhân dân kinh đô Panduranga.

Công trình thu hút ánh nhìn ngay từ xa. Ảnh @hatrangngo

Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật hùng vĩ và đẹp nhất nền văn minh Champa. Chính vì thế, nó đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia năm 1979. Đồng thời được Thủ tướng Chính phủ vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt.

Tháp Chàm Poklong Garai – đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc

Tại đây, du khách sẽ cảm thấy mãn nhãn với lối kiến trúc, điêu khắc đỉnh cao của nó. Kiến trúc dung hòa khéo léo phong cách Chămpa và Khmer với hình khối. Cùng với đó là gốm, đá hoặc họa tiết hình người, lá,  đuôi rồng, bò thần. Điều đó  khiến nơi đây khác biệt với tất cả những quần thể tháp Chăm khác. Chính vì vậy, bất kỳ ai đến với Phan Rang đều không thể bỏ qua ngọn tháp này.

Các chi tiết được chạm trổ tinh xảo. Ảnh @checkinninhthuan

Lúc mới xây, tháp Chàm Poklong Garai có nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, thời gian khiến nơi này chỉ còn lại ba phần là tháp chính, tháp Lửa và tháp Cổng.

Cấu trúc quần thể tháp Poklong Garai

Tháp chính là ngọn tháp nổi bật nhất với độ cao hơn 20m, mỗi cạnh rộng hơn 10m, được thiết kế nhiều tầng với 4 cửa hướng ra 4 phía. Cửa chính hướng về phía Đông được trang trí bằng bức phù điêu thần Siva có 6 tay đang nhảy múa trên mái vòm. Hai trụ đá đỡ tháp thì được khắc chữ Chăm cổ trên mặt.

Tòa tháp chính rộng lớn. Ảnh @michelle.thuypham

Từng chi tiết ở cổng chính đều được chau chuốt. Ảnh @giathilinh

Ở mỗi góc của tháp cũng đều được được tạc các bức tượng đá hình các vị thần, các con vật hoặc biểu tượng lửa và điêu khắc nhiều hoa văn tinh xảo và tỉ mỉ.

Xung quanh cũng được chau chuốt tỉ mỉ. Ảnh @sanra.san

Nơi thờ vua Po Klong Garai

Đây là nơi chuyên để thờ bức tượng vua Po Klong Garai bằng đá đang ngồi chắp tay trước ngực, đặt ở giữa tầng hai và tầng ba của tháp. Phía sau lưng tháp thì được trang trí một bức tượng trắng giống như tượng Phật. Ở phía Nam tháp chính là tháp Lửa – nơi mang đậm nét văn hóa Sa Huỳnh, tượng trưng cho nơi nấu bếp của nhà vua, cũng như là nơi cúng tế của tu sĩ và để long bào hay các vật dụng cần thiết của vua Chăm Pa.

Tòa tháp Lửa tuy nhỏ nhưng ấn tượng. Ảnh @checkinninhthuan

Ngọn tháp này cao 9,31m, dài 8,18m và rộng 5m, được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà truyền thống của dân tộc Chăm Pa với hai mái cong cong như hình chiếc thuyền, rất bắt mắt và ấn tượng. Cuối cùng là tháp Cổng ở phía Đông cao gần 9m, dẫn thẳng vào đền chính. Vào thời xưa, nó là nơi ra vào hành lễ, cúng tế và tiếp đón khách của nhà vua còn hiện nay thì trở thành lối để du khách hành hương bước vào đền. Các họa tiết trang trí ở đây cũng đã bị mờ dần theo thời gian, không còn rõ nét như tháp chính.

Cổng vào là nơi check in thần thánh của du khách. Ảnh @alicezhou.kawaii

Ảnh @huynhlevophi

Chất liệu xây dựng tháp Poklong Garai

Hơn nữa, sẽ thật là thiếu sót nếu nói đến các công trình tháp Chăm, tiêu biểu như Poklong Garai mà không nhắc đến sự độc đáo của chất liệu xây dựng nên chúng: gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như bao loại gạch khác, nhưng những họa tiết trên gạch bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc lên lúc gạch sống hay gạch chín.

Các viên gạch được chắp ghép cực khéo léo. Ảnh @sanra.san

Đặc biệt, việc sử dụng gạch xây tháp được làm hoàn toàn theo phương pháp cổ xưa của người Chăm, tức là ghép chặt những viên gạch lại với nhau mà không có mạch vữa ở giữa. Ấy thế mà mà bao thế kỷ trôi qua với bao biến cố, bao sóng gió mà ngọn tháp ấy vẫn đứng sừng sững, hiên ngang trên đỉnh đồi như một minh chứng cho sự tài tình, khéo léo của người Chăm xưa.

Trải nghiệm khó quên tại tháp Chàm Poklong Garai

Nằm trên một ngọn đồi cao và khuôn viên rất rộng nên nơi đây rất yên tĩnh và thoáng mát. Đứng ở đây nhìn xuống bạn còn có thể ngắm trọn vẻ đẹp của thành phố đầy nắng đầy gió – Phan Rang nữa đấy.

Khung cảnh thoáng mát, yên bình. Ảnh @k.h.i.n

Các lễ hội của người Chăm

Đặc biệt, nếu đến tháp vào ngày rằm hay mùng một hàng tháng hoặc các ngày lễ đặc biệt của người Chăm như: Lễ đầu năm (tháng giêng lịch Chăm) – lễ mở cửa tháp; Lễ cầu mùa (tháng 4 theo lịch Chăm) – lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; Lễ Chabun (tháng 9 theo lịch Chăm) – lễ Cha trong tín ngưỡng của người Chăm, nhất là lễ hội Kate (tháng 7 theo lịch Chăm) – lễ Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm, du khách sẽ được hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp của nười dân nơi đây.

Ngày lễ hội đông vui tấp nập. Ảnh: @anna.annabella

Ai ai cũng nô nức phấn khởi ùa về Poklong Garai để dâng lên lễ vật cúng tế, thể hiện sự tôn trọng vua chúa, tưởng nhớ công lao người đã xây dựng nên tháp cũng như gửi gắm lời cầu nguyện chân thành của mình và gia đình với tổ tiên.

Ai ai cũng háo hức đến dâng lễ cúng bái. Ảnh @anna.annabella

Hơn nữa, bạn còn được mãn nhãn với các điệu múa quạt hay vũ điệu Siva của các cô gái người Chăm cùng rất nhiều hoạt động truyền thống thú vị khác.

Khu vực bán đồ lưu niệm

Cũng đừng quên ghé qua những quầy hàng lưu niệm tại đây để mua những sản phẩm mang đậm văn hóa của người dân tộc Chăm được chính đôi bàn tay khéo léo của họ làm ra mà không phải ở nơi nào cũng có đâu nhé.

Những món quà lưu niệm độc đáo không thể bỏ lỡ. Ảnh: @hono.taki.2909

Nếu mang váy hoặc quần chưa đến đầu gối,  bạn sẽ phải mua hoặc thuê những chiếc khăn ở gần đó để quấn. Sau đó,  mới được vào trong tháp đấy nhé. Còn đợi chờ gì mà không đến ngay Ninh Thuận để thăm nơi đây. Tháp Poklong Garai là nơi chứa đựng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đỉnh cao của người Chăm.