• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

Kỹ năng sơ cứu khi đi du lịch và camping

Khi đi camping, chúng ta thường chọn những khu vực rừng núi thanh vắng, có sông suối, có hồ sâu… Do đó có thể xảy ra hiện tượng đuối nước. Chưa kể, trẻ nhỏ cũng hay tò mò, nghịch ngợm, dẫn đến trượt chân rơi xuống nước. Nhưng bạn đã biết áp dụng kỹ năng sơ cứu trong trường hợp này?

Kỹ năng sơ cứu khi đuối nước

Trẻ nhỏ
  • Đưa nạn nhân lên bờ nhanh chóng, để họ nằm ở nơi thoáng khí và được giữ ấm.
  • Lay gọi trẻ. Nếu trẻ không hồi đáp hoặc  lồng ngực thấy không di động là trẻ đã ngừng thở. Lúc này, bạn cần hô hấp nhân tạo cho trẻ.
Cách hô hấp nhân tạo: Đặt trẻ nằm ưỡn cổ, nghiêng mình sang trái, dùng gạc hoặc khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở mũi, miệng. Tiếp đó, thực hiện hà hơi, thổi ngạt.
  • Ép tim ngoài lồng ngực: Nếu sau 5 lần hà hơi, thổi ngạt mà tim trẻ vẫn ngừng đập. Hãy làm 5-10 phút. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, 3 giây/lần.
Cách ép tim ngoài lồng ngực như sau: Ấn tim ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2, sau 30 lần lại làm 2 lần thổi ngạt. Nếu có 2 người cấp cứu, hãy thực hiện theo tỉ lệ 15:1.
  • Lúc tỉnh, trẻ sẽ nôn ra nhiều nước. Hãy đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối 2 bên vai, nới rộng quần áo để tránh ngạt thở.
  • Chuyển đến cơ sở y tếngay cả khi trẻ đã hồi phục hoàn toàn. Trong khi vận chuyển, cần tiếp tục sơ cứu, sưởi ấm hoặc ủ ấm cho trẻ.
Người lớn
  • Đánh giá đường thở, hô hấp và tuần hoàn.
  • Tiến hành hồi sức tim phổi.
  • Hỗ trợ hô hấp nếu nạn nhân không tự thở được.
  • Tiếp tục thực hiện đến khi nạn nhân tự thở hoặc được cấp cứu.
Theo chuyên gia, sau khi sơ cứu, kể cả nạn nhân thở được, dứt khoát phải đến bệnh viện. Bệnh phù phổi cấp có thể xảy ra sau đó vài giờ.

Kỹ năng sơ cứu say nắng, say nóng

Những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực. Sau đó là đến mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút… Cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Cách sơ cứu:

  • Giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
  •  Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt cao, đau bụng, đau ngực, khó thở, phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát.
  • Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác.

Khi bị rắn cắn

Cách sơ cứu

  • Ngay khi phát hiện có người bị rắn độc cắn, trấn an người bệnh, giúp họ bình tĩnh nhất có thể.
  • Không để bệnh nhân tự đi lại.
  • Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn.
  • Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ.
  • Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập).
  • Rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.
  • Hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay…). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ.
  • Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế, duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân…
Chú ý: Bất cứ trường hợp nào, theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu.  

Theo Nhịp sống Việt