Vị trí địa lý
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc địa phận quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người (từ ngày 19 tháng 12 năm 1954 đến ngày 02 tháng 9 năm 1969).
Bên ngoài cổng Phủ Chủ tịch
Ý nghĩa tên gọi khu di tích
Năm 1954, Việt Minh đánh bại Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó chuyển chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hà Nội. Nơi đây được dùng làm Dinh thự cho Chủ tịch nước và bộ máy cơ quan giúp việc. Từ đó có tên gọi chính thức là Phủ Chủ tịch cho đến ngày nay.
Phủ Chủ tịch xưa
Đây là nơi sống và làm việc lâu nhất của Hồ Chí Minh (từ 19 tháng 12 năm 1954 đến 2 tháng 9 năm 1969), được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định xếp hạng là Khu di tích ngày 15 tháng 5 năm 1975. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
Giờ mở cửa
Tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2:
Mùa hè: Sáng (Tháng 11 – 3 năm sau): 7h30 – 11h; Chiều: 13h30 – 16h
Mùa đông (Tháng 4 – 10) : Sáng: 8h – 11h; Chiều: 13h30 – 16h
Du khách thường đi đoàn vào tham quan khu di tích Phủ chủ tịch
Kiến trúc khu di tích
Khu di tích này vừa ở ngoài trời, vừa ở trong nhà vì nó hình thành ngay tại nơi Bác Hồ đã sống và làm việc. Nơi đây bao gồm: Di tích bất động sản (nhà, phòng, hầm…); Di tích động sản (đồ đạc, bàn, ghế, sách vở, tài liệu…); Cảnh quan môi trường (cây cối, đường đi, sân vườn, ao cá, giàn hoa).
Du khách tham quan nhà sàn của Bác
Khu di tích có khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật. Các di tích, hiện vật, tài liệu được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc. Nơi đây có diện tích hơn 10ha. Trong đó bao gồm nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và đường đi lối lại.
Giá vé
Nếu là du khách người Việt Nam Khu di tích sẽ không thu phí. Đối với du khách quốc tế vé vào tham quan là 40.000VNĐ/lượt/khách

Khu vực hoa giấy nơi Bác thường hay tiếp khách
Các di tích đặc biệt trong khu di tích
Nhà 54
Nhà 54 là nơi Bác Hồ sống và làm việc từ 12/1954 đến giữa 5/1958. Sau đó, Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Tuy nhiên, bác hàng ngày vẫn trở về đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ.
Khu vực nhà 54
Ngôi nhà này vốn là nơi ở của một người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây. Nhà có ba phòng, phía giáp bờ ao là phòng làm việc. Đồng thời cũng là nơi Bác tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, cuối cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt cùng với tài liệu sách báo Bác đang đọc, những món quà lưu niệm bạn bè quốc tế tặng vẫn được giữ nguyên. Tất cả xếp đặt gọn gàng như những ngày cuối cùng của Bác. Tại phòng ăn hiện đang trưng bày một bộ đồ ăn hàng ngày của Bác.
Trong phòng ngủ có một bộ bàn ghế để Bác đọc sách ban đêm. Cùng với đó là một chiếc giường nhỏ, chiếc tủ đựng vài ba bộ quần áo. Nhà 54 có gần 400 tài liệu, hiện vật minh chứng cuộc sống giản dị, gần gũi, gắn bó với nhân dân của Bác.
Nhà sàn gỗ
Nhà sàn gỗ là nơi Bác sống và làm việc từ giữa 5/1958 đến 1969. Đây là kiểu nhà sàn được chính Bác lựa chọn sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên.
Dòng khách đến thăm nhà sàn
Nhà gồm 2 tầng được làm bằng gỗ dổi, mái lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt. Đây là sự gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà Bác đã sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Tầng dưới là nơi Bác sinh hoạt, tiếp khách. Tầng bên trên có hai phòng là phòng làm việc và phòng ngủ. Hiện nay gần 250 tài liệu, hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Tất cả vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc.
Cận cảnh nhà sàn Bác Hồ
Nhà 67
Nhà 67 là ngôi nhà màu xanh nhạt ở phía sau nhà sàn, nằm sát gò đất cao, nơi Bác làm việc từ năm 1967 đến 1969 và cũng là nơi Bác chữa bệnh và qua đời. Ngôi nhà được xây ngày 1/5/1967 nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ trước sự bành trướng của Đế quốc Mỹ.
Đây là nơi lưu giữ khoảnh khắc cuối cùng của Bác Hồ
Đường Xoài
Đường Xoài rộng 5m, dài hơn 200m, là nơi Bác thường tập thể dục vào mỗi buổi sáng và đi bách bộ sau giờ làm việc buổi chiều. Con đường được mang tên đường Xoài bởi hai bên đường là hai hàng cây xoài cổ thụ. Đường xoài đã từng ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp và cảm động giữa Bác với đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Hai bên đường có những cây xoài cổ thụ
Ao cá
Khu vực ao cá rộng hơn 3.000m² nằm phía trước nhà sàn. Trong ao nuôi nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi… Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường ra cầu ao cho cá ăn. Trước khi cho cá ăn, Bác thường vỗ tay gọi, lâu dần tiếng vỗ tay đã tạo cho cá một phản xạ quen thuộc, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao.
Ao cá nằm ngay trước nhà sàn của Bác
Vườn cây xanh trong Khu di tích
Vườn cây xanh với diện tích hơn 65.000m², kết hợp với ao cá tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình. Hệ sinh thái thực vật trong vườn rất phong phú, đa dạng. Các loài cây được trồng xen kẽ nhau tạo nên những nét chấm phá, làm tăng sự hấp dẫn sinh động của cảnh quan. Nhiều cây mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Khu vườn cây tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong vườn cây xanh có một khoảng đất trải sỏi nằm cạnh đường Xoài được gọi là giàn hoa Phủ Chủ tịch bởi bao quanh khoảng đất là giàn hoa giấy màu tím. Bác coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, không bị giới hạn bởi không gian nên thường tiếp khách trong nước, ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời.
Khu vực hoa giấy nơi Bác thường hay tiếp khách
Hiện nay, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một số điểm di tích khác như nhà bếp, nhà để hai chiếc xe ôtô mà Bác đã từng sử dụng, Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh. Cho tới nay, Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính phủ vẫn là nơi làm việc của cơ quan Nhà nước.
Winway Travel