Kẹo dừa là gì?
Kẹo dừa là một loại kẹo được chế biến từ nguyên liệu chính là cùi dừa và đường mạch nha. Đây là đặc sản mang đậm văn hóa vùng miền của Việt Nam. Trên dải đất hình chữ S có rất nhiều vùng trồng dừa nhưng Bến Tre là nơi cho ra đời và phát triển món ăn nổi tiếng này.
Kẹo dừa là đặc sản của Bến Tre. Ảnh: @haiyenfood
Xuất xứ của kẹo dừa
Tương truyền, đặc sản này ra đời từ khoảng những năm 30 của thế kỷ XX tại huyện Mỏ Cày, Bến Tre. Người đầu tiên làm ra món kẹo này là bà Nguyễn Thị Ngọc sinh năm 1914. Lúc bấy giờ, món kẹo này có tên là kẹo Mỏ Cày. Điều này được thể hiện qua các câu ca dân gian:
Bến Tre dừa ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
hay
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan
Đến năm 1970, bà Nguyễn Thị Vinh – một cư dân tại thị xã Bến Tre đã thay đổi phương pháp chế biến kẹo và thành lập cơ sở sản xuất kẹo dừa Thanh Long đầu tiên tại đây. Từ đó, kẹo dừa Bến Tre xuất hiện và phát triển đến bây giờ.
Kẹo dừa có mùi thơm và vị bùi. Ảnh: @13.anh
Món ăn của dịp lễ hội ở xứ dừa Bến Tre
Ngày xưa, người Bến Tre làm kẹo để ăn trong các buổi gặp mặt gia đình và làm quà biếu bạn bè, người thân trong những dịp lễ, Tết. Dần dần về sau, món ăn này đã được cải tiến và phát triển rồi trở thành sản phẩm truyền thống đặc biệt của Bến Tre. Có thể nói, món ăn này đã trở thành một trong những biểu tượng ẩm thực của Bến Tre. Chính vì vậy, du khách khi ghé thăm mảnh đất này đều tìm mua món kẹo này về làm quà cho người thân.
Những viên kẹo thơm ngon có màu vàng nhạt và màu nâu đặc trưng. Ảnh: @haiyenfood
Vài nét về làng nghề kẹo dừa ở Bến Tre
Do nhu cầu phát triển kinh tế, việc sản xuất kẹo dừa đã được mở rộng khắp Bến Tre. Hiện nay, ở tỉnh có hơn 180 cơ sở sản xuất món ăn này với sản lượng mỗi năm lên đến hàng chục ngàn tấn. Các làng nghề làm kẹo dừa tập trung chủ yếu tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, thành phố Bến Tre. Một trong số những làng nghề nổi tiếng nhất đó là làng nghề ở phường 7 của thành phố Bến Tre.
Từ vòng xoay chợ Ngã Năm, bạn đi khoảng 1km để đến đường Nguyễn Văn Tư. Trên tuyến đường này, bạn sẽ bắt gặp những cơ sở sản xuất kẹo dừa có tổ chức cho du khách tham quan và trải nghiệm.
Nguyên liệu làm kẹo dừa
Kẹo dừa được làm từ hai nguyên liệu vô cùng đơn giản, gồm cùi dừa và mạch nha. Gạo nếp dùng để nấu mạch nha phải là loại tốt, hạt to và chín đều. Thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch đến khi nảy mầm rồi đem nấu lấy mạch nha.
Dừa đển làm kẹo phải có vỏ ngoài màu da bò hoặc màu vàng rơm, không quá già mà cũng không quá non. Trong dừa phải chứa lượng tinh dầu cao để cho ra nước cốt dừa chất lượng nhất. Nếu chọn đúng dừa ngon, kẹo sẽ có hương vị thơm và béo. Khi làm kẹo, các nghệ nhân sẽ lột vỏ dừa, lấy cùi và xay nhuyễn. Phần này sẽ được cho vào bao rồi ép lấy nước cốt dừa. Sau đó, thêm hương liệu như sầu riêng, lá dứa, sôcôla, dâu… để tạo nên mùi vị cho sản phẩm. Tiếp đến, nghệ nhân sẽ đổ mạch nha vào hỗn hợp. Sau cùng ta sẽ đưa tất cả vào chảo và khuấy đều tay.
Hỗn hợp cốt dừa và mạch nha được cho vào trên chảo, đảo đều. Ảnh: báo Người Lao Động
7
Công đoạn cắt phên kẹo thành những thanh nhỏ, sau đó mới cắt thành từng viên nhỏ. Ảnh: @hienhuong1910
Quy trình làm kẹo
Phần giữ lửa rất quan trọng và đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân. Nếu lửa lớn kẹo sẽ đặc và lửa nhỏ kẹo sẽ rất lỏng. Trước đây, người ta phải khuấy hỗn hợp này bằng tay. Ngày nay, quá trình làm kẹo bằng máy đã giúp nghệ nhân tiết kiệm thời gian và công sức hơn rất nhiều. Hiện trên các chảo đun kẹo đã c
ó những máy quay được lắp sẵn để khuấy hỗn hợp cho đến lúc chín.
Khi phần nước cốt cô đặc lại và chuyển màu, nghệ nhân sẽ đổ chúng vào các khuôn đã được bôi dầu dừa để chống dính. Sau khi kẹo nguội, người nấu kẹo sẽ cắt thành hỗn hợp thành những viên nhỏ và bọc lại bằng lớp bánh tráng (giấy tan mỏng) để hút ẩm và tránh kẹo chảy nước rồi đóng gói thành phẩm bằng nilon.
Hỗn hợp kẹo đặc quánh được kéo thành sợi trên bàn. Ảnh: @va.o.ry
Dùng dao cắt những thanh kẹo thành từng viên nhỏ. Ảnh: @va.o.ry
Những viên kẹo cắt đều tay. Ảnh: @va.o.ry
Tham quan làng nghề kẹo dừa Bến Tre
Khi tham quan làng nghề làm kẹo dừa, t du khách sẽ có cơ hội tận mắt nhìn thấy toàn bộ quy trình làm món kẹo này. Bên cạnh đó, du khách sẽ được tham gia vào khâu đổ kẹo vào khuôn và cắt kẹo. Sau khi kẹo đã được đổ ra khuôn, du khách sẽ được thưởng thức những viên kẹo nó mới ra lò.
Du khách được tham gia vào công đoạn làm kẹo dừa cùng người dân tại các làng nghề. Ảnh: bentre.gov
Khi thưởng thức kẹo dừa, bạn sẽ cảm nhận miếng bánh tráng mỏng bọc ngoài viên kẹo tan trong miệng. Sản phẩm kẹo hoàn chỉnh khi ăn có độ dẻo quánh, hơi dai. Vẻ ngoài đơn giản cùng hương vị ngọt, béo trông mộc mạc như người miền Tây Nam Bộ.
Những viên kẹo dừa mời du khách. Ảnh: @duythanhxk
Hoạt động làm kẹo dừa – Sự gắn kết tình thân
Hoạt động làm kẹo giúp cho chủ lò kẹo và khách du lịch không còn khoảng cách. Ai cũng chờ đợi sản phẩm mới ra lò. Trong lúc chờ đợi, những cô bác nghệ nhân còn ca vài câu vọng cổ giúp du khách cảm nhận tình cảm của người dân vùng sông nước.
Sau khi tham quan lò kẹo, du khách có thể mua một ít kẹo dừa đủ hương vị về làm quà cho gia đình, người thân. Giá một hộp kẹo dừa khoảng 45.000đ/hộp 250g. Bên cạnh đó, các làng nghề còn bán các món dân dã khác như: kẹo chuối, bánh tráng sữa, rượu dừa, nước màu dừa…
Những viên kẹo được bọc trong lớp bánh tráng mỏng. Ảnh: @boldesucre
Đây là đặc sản chứa đựng tình cảm của người Bến Tre dành cho khách du lịch. Nếu có dịp đến nơi đây, hãy dành ít thời gian ghé thăm làng nghề kẹo dừa để hiểu thêm về món ăn này cũng như cuộc sống người dân nơi đây nhé.
Winway Travel