• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

Chùa Kiến An Cung cổ kính và linh thiêng

Vị trí địa lý

Ngôi chùa này tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo, phường 2, trung tâm thị xã Sa Đéc. Kiến An Cung mang đậm phong cách kiến trúc của Trung Quốc. Lý do vì nó được xây dựng bởi những người Hoa ở Phúc Kiến ở đây.

Ảnh: @anhminhsnow

Ý nghĩa tên gọi

Do họ thờ Ông Quách thay vì Quan Công, nên đây còn được gọi là chùa Ông Quách. Với người Hoa ở Sa Đéc, nơi đây không chỉ để thờ phụng tổ tiên. Ngoài chốn tâm linh, chùa còn được biết đến là nơi người dân hội họp và tổ chức sự kiện. Tất cả đều nhằm m gắn kết cộng đồng, trao đổi thông tin hàng ngày với nhau,… Nên đối với mỗi người dân tộc Hoa địa điểm này có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn..

Phía bên ngoài chùa

Lịch sử hình thành chùa Kiến An Cung

Chùa Kiến An Cung được xây dựng khỏang năm 1924 – 1927 bởi sự đóng góp của người Hoa Phước Kiến. Lúc bấy giờ, thương gia Huỳnh Thuận đã vận động người Hoa Phước Kiến ở Sa Đéc hùn tiền để lập chùa. Thứ nhất là để duy trì tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, đây là nơi liên kết cộng đồng, hội họp việc buôn bán, trao đổi thông tin. Nhờ kiến trúc đặc sắc, đây được xem như công trình tiêu biểu cho văn hóa dân tộc Phúc Kiến. Đây là 1 trong 3 dân tộc ở Đồng Tháp. Từ năm 1990, trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia được Nhà Nước công nhận. Đồng thời là điểm đến  thu hút khách du lịch vô cùng lớn ở mảnh đất này.

Ảnh: @letuan1602

Kiến trúc đặc sắc của chùa Kiến An Cung

Để xây dựng được chùa Kiến An Cung trong 3 năm, những người thợ đã phải lao động cật lực. Ngày nay đã có nhiều sự thay đổi nhưng từ chất liệu, đường nét, hoa văn trang trí đến cách sắp xếp,… Từ trong ra ngoài đều khiến bạn ngỡ như đang lạc vào không gian đầy cổ kính ở đất nước Trung Hoa ngay trong lòng Sa Đéc.

Cổng vào của ngôi chùa nổi tiếng Sa Đéc

Hàng rào

Nhìn từ bên ngoài bạn có thể thấy điểm ấn tượng nhất chính là hàng rào được đúc từ bê tông, nhưng lại được sơn màu xanh cách điệu khiến ai cũng ngỡ được làm bằng tre. Bên cạnh đó, tường cũng xây rất thấp chứ không bịt kín, tạo độ thông thoáng. Đứng từ xa vẫn có thể thấy dáng dấp ngôi chùa uy nghiêm trong khuôn viên tràn ngập cây xanh.

Ảnh: @thomas_leenhan

Về tổng thể chùa được xây dựng theo chữ Công “工” theo tiếng Trung. Gồm 3 gian với khoảng sân láng xi măng rộng rãi, thoáng mát do mặt chùa được quay ra con rạch Cái Sơn. Điểm độc đáo là chùa chống đỡ bằng 12 hàng cột tròn lớn đen bóng làm bằng gỗ trạm khắc tinh xảo và ốp những tấm liễn viết câu đối bằng chữ Hán, phía trên là mộng và đòn tay ráp lại mà không có kèo. Nhưng kết cấu lại rất vững chắc và tạo nên độ uy nghiêm dù trải qua nhiều lần tu sửa.
Phần mái của chùa được cách điệu tinh tế

Phần mái

Riêng phần mái cũng được lợp ngói rất tỉ mỉ, có 3 lớp từ ngói đến gạch xong lại ngói trên cùng lượn sóng tựa như vẩy rồng. Ở mỗi góc đều nhọn dần và cong vút lên cao tựa như ngọn sóng. Trên 6 ngọn sóng đó lại còn được đặt các mô hình cung điện thu nhỏ trông vô cùng tráng lệ và bắt mắt. Tượng trưng cho những nỗ lực vươn lên những khó khăn và đạt được thành công.
Ảnh: @nt.nm2909

Phần nóc

Phần nóc ở  được lợp bằng ngói âm dương, riêng phần đầu của mỗi mái lại lợp ngói lưu li hình ống. Khi nhìn lên phần giữa bạn sẽ thấy được hình lưỡng long chầu nguyệt. Phần trên khung xà ở cửa chính được đặt tấm hoành phi viết tên “Kiến An Cung” theo tiếng Hán được sơn son thếp vàng. Bên cạnh đó, còn có lân gỗ thếp vàng, bông sen hoa hình chim muông được chạm khắc tinh xảo.
Tượng kỳ lân bằng đá phía trước cửa chính vào chùa
Ảnh: @menlun276

Phần mặt tiền

Mang những nét đặc trưng của chùa Tàu, do vậy bạn có thể dễ dàng nhận thấy phía trước cửa chính được đặt tượng 2 con kỳ lân bằng đá xanh. Hai bên là hình ông Thiện và ông Ác – 2 người trấn giữ chùa. Đi qua cánh cửa này bạn sẽ đến thẳng khu vực chánh điện, bên trong có khoảng sân mở như giếng trời giúp không khí được thông thoáng khi thắp hương cũng như nơi tế lễ đất trời.
Khu vực giếng trời giúp không khí lưu thông dễ dàng
Ảnh: @pmtam_102

Chánh điện

Khu vực chánh điện thờ Ông Quách tay nâng đai ngọc ở giữa, hai bên tả hữu lần lượt là Thanh Thuỷ Tổ Sư và Bảo Sanh Đại Đế tay cầm kiếm oai phong. Hành lang phía Đông và phía Tây là nơi tiếp khách đến chùa cúng bái. Trên đó có treo những bức tranh thủy mặc, Tây Du Ký, chuyện cổ tích,… được họa rất sống động. Không chỉ để trang trí mà nó còn góp phần truyền tải những thông điệp ý vị mang tính giáo dục cao cho các thế hệ mai sau.
Vật liệu xây dựng được mang về từ Trung Quốc
Công sức để tạo dựng được ngôi chùa khang trang như thế này vô cùng lớn. Bên cạnh thợ ở Việt Nam thì tất cả các loại vật liệu, người vẽ tranh, thợ xây,… đều được mang sang từ Trung Quốc qua chặng đường dài. Mặc dù ngày nay Kiến An Cung đã trở thành một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất, thế nhưng những màu sắc, từng đường nét trang trí hay tranh ảnh trong chùa vẫn không hề bị tác động bởi thời gian. Luôn tỏa sáng và là điểm đến thu hút đông khách du lịch.
Ảnh: @meof.hana

Lễ hội ở chùa Kiến An Cung

Không chỉ có kiến trúc, ngôi chùa này cũng được người dân Đồng Tháp thường xuyên lui tới cúng bái. Nhất là vào các ngày rằm quan trọng bởi nơi này được đánh giá là rất linh thiêng. Đặc biệt nhất nếu có dịp về Sa Đéc đến chùa  vào 2 ngày đặc biệt là 22 – 2 và 22 – 8 Âm lịch hàng năm bạn sẽ được tham dự vào lễ cúng tế vô cùng lớn.

Ảnh: @imthoa97

Vào 2 dịp ngày sinh và ngày thành đạo của Ông Quách này không chỉ có người Hoa mà nơi đây cũng thu hút người dân từ khắp mọi nơi trên cả nước đổ về vừa tham quan vừa kết hợp tế bái. Bạn đừng quên dự lễ bái, xin quẻ xăm xem vận mệnh mình như thế nào và cầu bình an cho bản thân cũng như gia đình nhé. Chùa vốn nổi tiếng linh thiêng nên biết đâu nếu thành tâm bạn sẽ thành toại được điều mình cầu xin.

Hà Lê (Lữ hành Việt Nam)