• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

Vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng – Điện Biên hôm nay

Nằm trên địa bàn xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là địa điểm thứ 3 và là địa điểm cuối cùng đặt cơ quan đầu não của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại nơi này, bằng tài thao lược quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Một góc vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng nhìn từ trên cao.

Trải qua 66 năm, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên, là biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ quân sự và khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Năm tháng qua đi, vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng cũng đã khoác lên mình một màu áo mới, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc ở các bản làng vùng cao nơi đây đã đổi thay.

Mường Phăng – nơi đặt cơ quan đầu não của quân đội ta

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở lại Mường Phăng. Hành trình tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của chúng tôi có sự góp mặt của nhân viên Tổ quản lý bảo vệ di tích, anh Lò Văn Ánh, người dân tộc Thái. Vượt qua thung lũng Mường Phăng, nơi thảm lúa đang chín vàng, qua những bản làng của Cộng đồng dân tộc Thái, chúng tôi đến Sở Chỉ huy Chiến dịch. Trưa tháng 5 ở vùng lòng chảo tứ bề là núi cao thật oi bức nhưng khí hậu trên con đường dài gần 1 km dẫn sâu vào khuôn viên Sở Chỉ huy thật mát mẻ, dễ chịu. Lý giải về điều này, anh Lò Văn Ánh, nhân viên Tổ quản lý, bảo vệ di tích cho hay: “Nhiệt độ ở khuôn viên Sở Chỉ huy Chiến dịch khi nào cũng chênh lệch từ 3 đến 5 độ C so với bên ngoài vùng lòng chảo Mường Phăng. Chính những tán rừng của đại ngàn Mường Phăng và những con suối nhỏ đã điều hòa khí hậu, tạo cảm giác dễ chịu cho du khách khi đặt chân vào Khu di tích”. Anh Lò Văn Ánh cho biết thêm: “Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ dưới chân núi Pú Đồn, ẩn dưới tán rừng đại ngàn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, phù hợp với tốc độ làm việc khẩn trương, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Xét về phương diện địa lý, Sở Chỉ huy Chiến dịch cách Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch ở thung lũng Mường Thanh gần 20 km theo đường chim bay và gần 40 km đường đi bộ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch của quân đội ta đã đóng chân tại đây 105 ngày, từ ngày 31/1/1954 đến ngày 15/5/1954. Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) trong thời gian 32 ngày, từ ngày 17/12/1953 đến 17/1/1954. Địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He (xã Nà Tấu, nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ) trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1/1954 đến 30/1/1954. Trên con đường phủ một lớp mỏng rêu xanh, chúng tôi được tham quan hệ thống lán, trại, hầm hào công sự của Sở Chỉ huy Chiến dịch; từ lán làm việc của Ban thông tin; lán ở, làm việc và hầm của Trưởng Ban thông tin đến lán tác chiến, Hội trường giao ban…

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành điểm tham quan du lịch thu hút du khách mỗi khi đến thăm vùng đất lịch sử.

Theo anh Lò Văn Ánh, nhân viên Tổ quản lý, bảo vệ di tích, các lán làm việc của các cơ quan trong Sở Chỉ huy là những lán nhỏ giấu mình dưới tán cây rừng nguyên sinh. Dưới nền của các lán là những căn hầm nhỏ, trên nắp hầm lát những cây gỗ tròn chắc chắn để đề phòng máy bay hoặc pháo sáng của địch bắn tới. Nằm sâu trong Sở chỉ huy là Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lán có diện tích 18 mét vuông được làm bằng vật liệu khai thác tại chỗ. Bên ngoài liếp nứa của lán được che thêm những tấm cỏ gianh để tránh gió lùa và giấu bớt ánh sáng về đêm. Từ Lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông sang Lán của tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là đường hầm xuyên núi dài 69 m. Hầm cao 1,7 m, rộng từ 1 đến 3 m, giữa hầm có một phòng họp. Hầm xuyên núi là công trình lớn nhất ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ do Trung đội Công binh thực hiện và hoàn thành trong 28 ngày đêm liên tục, được đưa vào sử dụng từ ngày 15/4/1954 giữa đợt tấn công thứ 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm qua, công tác bảo vệ di tích, bảo vệ rừng, cảnh quan khu sinh cảnh di tích luôn được các cấp ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan chung tay thực hiện. Anh Lò Văn Ánh, nhân viên Tổ quản lý, bảo vệ di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Những năm qua, dù là ngày thường hay những dịp lễ, Tết, chúng tôi luôn chủ động trong công tác quản lý bảo vệ, quét dọn vệ sinh, phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự trong khu di tích. Đặc biệt, việc bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức để phục vụ du khách cho đội ngũ thuyết minh viên cũng được quan tâm hơn”, anh Lò Văn Ánh cho biết.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành điểm tham quan du lịch thu hút du khách mỗi khi đến thăm vùng đất lịch sử.

Sáu mươi sáu năm trôi qua, di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn, trường tồn với thời gian và trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt mà mỗi người dân Việt Nam cũng đều muốn đến để tham quan, tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn.

Đổi thay vùng căn cứ địa cách mạng

Địa hình Mường Phăng là một thung lũng trải dài, bao bọc xung quanh là núi cao, được tắm mát bởi các dòng suối Pá Hốc Khiều (rừng tre xanh), Huổi Luông, hồ Pá Khoang (rừng trúc) nên hàng trăm năm trước, người Thái đã tìm đến vùng đất này định cư, lập bản, khai khẩn ruộng hoang. Theo số ít cụ cao niên trong xã Mường Phăng còn sống kể lại, cuối năm 1953, thời điểm địch cho quân nhảy dù tăng cường cho Mặt trận Điện Biên Phủ, chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa và cho máy bay quần thảo khắp nơi nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm và hậu cần cho quân đội Việt Nam. Thời điểm này, người dân Mường Phăng cũng đã tham gia quyên góp, ủng hộ bộ đội gần chục tấn gạo và nhiều gia súc; nhiều người dân trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn đã tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển địa điểm đóng chân của Sở Chỉ huy Chiến dịch từ bản Huổi He (xã Nà Tấu) về Mường Phăng (từ ngày 31/1/1954 đến ngày 15/5/1954) thì người dân thuộc cộng đồng các dân tộc ở Mường Phăng lại chung tay đóng góp sức người, sức của cùng lực lượng công binh khảo sát địa hình để xây dựng Sở Chỉ huy; làm giao liên; quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội; giữ bí mật cho quân ta xây dựng căn cứ và tham gia khai thác đá mở đường cho Chiến dịch, góp phần đảm bảo Chiến dịch toàn thắng. Ông Lò Văn Lả, bản Che Căn, xã Mường Phăng cho biết: Sau năm 1954, đời sống của bà con dân ở các bản gặp rất nhiều khó khăn do nhà cửa, ruộng vườn, gia súc gia cầm còn ít. Bản làng khi đó cũng thưa thớt, nằm cách xa nhau hàng giờ đồng hồ đi bộ qua những lối mòn cắt rừng, vắt qua đồi núi. Nhiều năm sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, người dân tăng gia sản xuất, khai hoang ruộng nương, dần đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Khi đời sống no ấm hơn người dân ở các bản làng đã bảo tồn được những giá trị văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, các làng nghề truyền thống như ngày hôm nay.

Đường đến các thôn bản được đổ bê tông sạch đẹp.

Về Mường Phăng hôm nay, đi trên các con đường bê tông đấu nối các thôn bản, ngắm nhìn khung cảnh bản làng yên bình tựa lưng vào núi, soi mình bên suối, chứng kiến hệ thống điện, đường, trường, trạm, hòa mình vào những hoạt động hối hả của người dân càng cảm nhận rõ hơn nhịp sống mới của Mường Phăng – xã nằm ngoài vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh. Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Sau chặng đường 66 năm, điều nổi bật nhất và là niềm vui đối với cấp ủy, chính quyền cũng như người dân địa phương đó là vấn đề xóa đói giảm nghèo, đời sống kinh tế của bà con nhân dân trên địa bàn đã có nhiều bước đổi thay. Hiện nay, xã Mường Phăng chỉ còn 8% hộ nghèo. Xã đã về đích thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trong một vài năm tới, chúng tôi phấn đấu đẩy mạnh thực hiện việc xóa đói giảm nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, bền vững.

Ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng khang trang trên vùng đất lịch sử.

Là một trong 13 xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh, cuối năm 2019, xã Mường Phăng có hơn 1.100 hộ dân với gần 5.300 nhân khẩu thuộc cộng đồng các dân tộc Mông, Thái, Kinh sinh sống ở hơn 20 thôn, bản. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 30 triệu đồng/năm; 99,1% số hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; hơn 80% thôn, bản đạt danh hiệu thôn bản văn hóa. Toàn xã có hơn 520 ha lúa 2 vụ, nâng tổng sản lượng lương thực đạt hơn 2.800 tấn/năm, bình quân đầu người đạt hơn 5.5 tạ/người/năm; có 200 ha diện tích trồng ngô, sắn… gần 30 ha rau màu các loại, hơn 63 ha nuôi trồng thủy sản, gần 40 ha cây ăn quả. Mường Phăng hôm nay đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, phá vỡ thế độc canh cây lúa khi phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cá, gia súc, gia cầm; mở rộng diện tích, quy mô trồng các loại cây ăn quả “đặc hữu” vùng miền như: Hồng, mắc cọp, mận, sơn tra; đẩy mạnh các loại hình du lịch để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững… Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc cũng được chính quyền, người dân nỗ lực thực hiện.

Những cánh đồng xanh mướt, trải dài trên vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng.

Từ lợi thế, tiềm năng du lịch khi có nhiều di tích thuộc Quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, những năm tới, Mường Phăng sẽ khai thác tối đa nguồn lợi này. Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Chúng tôi sẽ chú trọng phát huy các giá trị của di tích cũng như bảo tồn các điểm di tích để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, học tập. Trên cơ sở đó, nhân dân trên địa bàn sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ dịch vụ du lịch. Mường Phăng – vùng căn cứ địa hôm nay đang từng bước chuyển mình. Đó là thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng đã đoàn kết, chung tay quyết tâm phấn đấu để đưa một xã khó khăn vùng ngoài lòng chảo ngày càng phát triển, đời sống người dân ấm no hơn, xứng danh với vùng đất lịch sử.

Theo Báo Bắc Giang