Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Sơn có độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Xưa kia, người dân coi đỉnh Yên Sơn là núi thiêng, nơi có thể cầu mưa, hô phong hoán vũ. “Đến đỉnh Yên Sơn, đứng cạnh chùa Đồng tôi cảm nhận được sự linh thiêng của Phật pháp, vẻ đẹp của cõi Phật với mây vờn dưới chân, tâm hồn thanh tịnh như gột sạch mọi lo toan của cuộc sống, thoảng hương dịu mát của cỏ cây và mây trời đất Phật. Từ đỉnh Yên Sơn nhìn về 4 hướng, cả vùng Đông Bắc như một dải lụa xanh thẳm hiện ra trước mắt.
Chùa Đồng còn có tên gọi khác là Thiên Trúc tự (chùa cõi Tây phương Thiên Trúc). Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII thời hậu Lê, chùa ban đầu chỉ là một khám nhỏ đúc bằng đồng. Đến năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, một cơn bão làm lật mái chùa, kẻ gian lấy nốt phần còn lại, để lại các dấu tích hố cột trên mỏm đá. Năm 1930, bà Bùi Thị Mỹ – thủ tự chùa Long Hoa phát tâm xây dựng chùa Đồng bằng bê tông cốt thép trên một hòn đá vuông, nhằm trúng vị trí chùa Đồng cũ. Kích thước ngôi chùa tương đương ngôi chùa Đồng cũ. Ngày 3/6/2006, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ phật học Đại đức Thích Thanh Quyết (Thượng tọa Thích Thanh Quyết) và Ban quản lý dự án chùa Đồng, bằng công đức thập phương trong và ngoài nước đã khởi lễ đúc chùa Đồng theo mẫu thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn (Viện Bảo tồn di tích). Chùa được khánh thành ngày 30/1/2007, tọa lạc trên đỉnh non thiêng ở vị trí giữa hai ngôi chùa được xây dựng trước đây.
Chùa Đồng hiện nay là công trình kiến trúc độc đáo nhất Đông Nam Á, trọng lượng 70 tấn, chiều dài 4,6 m, chiều rộng 3,6 m, cao 3,35 m. Chùa giống một đài sen nở. Trong chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử. Trước đây, để lên chùa Đồng chỉ có cách duy nhất là đi bộ, phải vượt qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi trên quãng đường dài khoảng 6 km để lên đỉnh Yên Sơn. Những năm gần đây, Ban quản lý khu danh thắng Yên Tử đã đưa vào sử dụng cáp treo giúp du khách thập phương dễ dàng chinh phục chùa Đồng. Ngồi trên cáp treo, du khách có thể ngắm nhìn núi non Yên Tử từ trên cao, sau đó tiếp tục đi bộ chinh phục non thiêng Yên Tử.
Từ cáp treo nhìn xuống những khu rừng Yên Tử, du khách được chiêm ngưỡng những ngọn tùng cổ hơn 700 tuổi vươn mình giữa không gian rộng lớn; những cây măng trúc mọc tua tủa vươn lên chạm vào cáp treo. Mặc dù có cáp treo, nhưng quãng đường đi bộ để lên tới chùa Đồng tương đối dài và treo leo, với hàng nghìn bậc đá gập ghềnh xuyên qua bạt ngàn rừng tùng, rừng trúc… Đặc biệt, khi tiết trời vào xuân, mưa phùn lất phất, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác vén sương để tìm đường lên chùa Đồng.
Vượt qua muôn trùng thử thách khi đặt chân tới chùa Đồng, du khách thập phương đều thành kính xoa tay vào chiếc khánh và quả chuông. Tương truyền rằng, trong quả chuông và khánh tại chùa Đồng có nhiều vàng ròng. Ngày đúc chuông, du khách thập phương tụ hội về rất đông. Nhiều người đã thả vào mẻ đúc cả chục kg vàng, người đeo vòng lắc hoặc nhẫn vàng cũng công đức trực tiếp vào chuông, khánh. Vì vậy, mọi người nghĩ rằng phúc đức sẽ được truyền lại cho muôn đời con cháu, khi chạm tay vào chiếc khánh và quả chuông “cầu gì được nấy”. Hàng năm, vào dịp đầu xuân năm mới, du khách thập phương khắp mọi miền đất nước đều mong muốn hành hương về Yên Tử để chiêm bái chùa Đồng, tìm về cõi Phật, tìm về chính mình.