• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

KỲ BÍ TƯỢNG AN KỲ SINH TRÊN ĐỈNH THIÊNG YÊN TỬ

Trên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh), đoạn từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng có một pho tượng đá mình bám đầy rong rêu, mặt hướng về phía tây. Tương truyền, đây chính là tượng An Kỳ Sinh, một vị đạo sĩ nổi tiếng dưới thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, từng qua đỉnh Yên Tử tìm cây thuốc để luyện linh đan. Sự thật về tượng đá này, đến nay vẫn còn trong bí ẩn. Tượng An Kỳ Sinh đứng trên một khoảng đất khá rộng, cách tháp 7 tầng mới (điểm dừng chân cuối cùng của tuyến cáp treo Hoa Yên – Yên Tử) khoảng 200m. Đây cũng chính là đoạn cao nhất trong dãy Yên Tử, nơi được mệnh danh là “non thiêng đệ nhất danh thắng”. Tượng đá hình đạo sĩ là tượng đá xanh nguyên khối, lại đứng giữa đất trời hàng nghìn năm, tượng An Kỳ Sinh đã bám đầy rong rêu. Thoạt nhìn, tượng như một khối đá tự nhiên, na ná giống dáng một vị sư nào đó khoác áo chùng thâm, hai tay lần tràng hạt, mặt hướng về phía tây như hướng về đất Phật. Không ai biết “nhà sư” đó đứng như thế từ bao giờ, chỉ biết là rõ ràng đang nhìn ngó thanh thản giữa đất trời. Quan sát kỹ, thấy tượng đứng trên một khối đá hình nấm, dưới chân cố định bằng xi măng. Trước mặt tượng có xây một bệ thờ 3 bậc, cũng bằng xi măng. Bậc trên cùng của bệ thờ đặt một bát hương bằng đá, có nhiều họa tiết hoa văn rất cổ, hai bậc giữa và cuối cũng bám đầy rong rêu, bị bào mòn bởi thời gian. Bên phải tượng còn có một bệ thờ nhỏ nữa, vẫn đắp bằng xi măng. Không ai biết đích xác đó là bệ thờ ai, chỉ nghe tương truyền là thờ một trong 2 vị đệ tử của đạo sĩ An Kỳ Sinh, từng theo ông học đạo trên vùng núi Yên Tử này. Bên trái tượng có một tấm biển bằng xi măng nữa,cắm trên một cột bê tông hình chữ nhật, khắc chữ lõm phết sơn vàng: “Tượng An Kỳ Sinh – di tích có giá trị, đã được xếp hạng bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm”. Theo PGS Nguyễn Duy Hinh, người mà hồi sung sức đã từng bỏ rất nhiều tâm sức và thời gian để nghiên cứu về nhân vật An Kỳ Sinh và pho tượng đá kỳ lạ này, trước đây, khu di tích là cả một quần thể gồm một tượng đá đứng và 2 ngôi mộ hình chữ nhật có núm nhô lên như hình hoa sen, đắp cao khoảng hơn 10cm. Xung quanh có kè đá che chắn khá kiên cố. Nhiều người dân ở đây cho biết, đó chính là tượng An Kỳ Sinh và 2 ngôi mộ của 2 người học trò từng theo ông học đạo. Tượng có hình dạng giống người nhưng không phải là đá tự nhiên mà là do con người dựng. Chính vì thế, dưới chân tượng mới có nhiều khối đá lớn làm thành bệ để giữ cho tượng không bị đổ. Phần ngực tượng có một khung hình chữ nhật khắc lõm và một số vết khắc chữ Hán, qua năm tháng đã bị mờ. Theo phỏng đoán của PGS Hinh, có thể là ngày xưa khi đặt tượng, người ta đã khắc tên An Kỳ Sinh lên đó như một cách “yểm tâm tượng” thường thấy trong dân gian. Đó cũng chính là dấu vết gia công của người đời sau. Gần tượng, ngày xưa còn có động Dược am và Thung am (am thuốc và am luyện thuốc), tương truyền là nơi An Kỳ Sinh và các học trò luyện thuốc trường sinh. Người đời tỏ lòng tôn kính gọi ông là An Tử (nghĩa là Thầy An) và gọi núi này là An Tử Sơn (nghĩa là Núi Thầy An). Sau này, để tránh gọi tên húy của Ngài, nhân dân đổi tên gọi núi “An Tử”  thành “nơi đây” và dựng tượng Ngài để thờ cúng. Tượng An Kỳ Sinh là một tảng đá tự nhiên giống hình người đứng đang ngửa mặt lên Trời, chắp tay bái niệm:  

“Đá thiêng thấp thoáng dáng người;

Trầm tư đứng giữa đất trời mênh mông;

Bốn mùa xuân hạ thu đông;

Gửi trong yên lặng nỗi lòng trần gian;

Trúc reo trước gió đại ngàn;

Bao nhiêu câu hỏi mênh mang giữa đời;

Đâu là đá đã hóa người;

Đâu người hóa đá luân hồi trong ta”