Cách thành phố Karachi (Pakistan) khoảng 30km về hướng đông, khu cổ mộ Chaukhandi có từ thế kỷ 15 là nơi cất giữ văn hóa của người Sindh. Ở nơi đó có một người lặng lẽ bảo tồn di tích bằng cả trái tim.
Theo ngôn ngữ của người Sindh, Chaukhandi có nghĩa là “Ngã tư”. Từng là vùng đệm kinh tế cho thành phố Karachi trong quá khứ, nên Chaukhandi là nơi tập trung rất nhiều thương gia giàu có muốn xa lánh sự ồn ào đến đây để sinh sống. Trước khi bước qua bên kia thế giới, họ thường mua và vận chuyển những tảng đá sa thạch vàng khổng lồ từ Thatta (cách Karachi 100km về hướng đông) để xây cất mộ cho mình.
Từ thế kỷ 15 đến 18, khu cổ mộ Chaukhandi là nơi dành riêng để chôn cất tộc người Jokhio và Baloch – hai nhánh người thuộc gốc người Sindh. Trên diện tích hai hecta, khoảng 2.000 ngôi mộ nằm im lặng và được xác định đẳng cấp rõ rệt.
Việc phân biệt ngôi mộ người nam hay nữ dựa vào dấu hiệu trên đầu phần mộ. Mộ người nam có một chiếc mũ vún thành nhiều khía ở đầu tảng đá trên cùng, trong khi mộ người nữ bằng phẳng. Chiếc mũ chính là hình tượng chiếc khăn truyền thống của người Sindh thường quấn trên đầu. Người nữ chết mà chưa lập gia đình thì trên tảng đá cuối cùng không bằng phẳng mà nó được cắt đẽo theo một đường lài từ cao xuống thấp. Ngoài ra, trên mộ của người nam họ thường điêu khắc chiếc mũ hoặc các vũ khí chiến tranh như cung, tên, khiên, giáo…, trong khi ngôi mộ người nữ lại điêu khắc vàng bạc nữ trang mà họ thường sử dụng khi còn sống như bông tai, vòng đeo cổ, tay và chân.
Mộ của người nghèo là những phần đất bình thường, xung quanh được viền những hòn đá khá nhỏ theo chu vi. Người khá giả hoặc giàu có xác định đẳng cấp của mình bằng việc chất lên mộ phần những tảng đá sa thạch vàng. Chất càng cao, càng thể hiện tương xứng với sự giàu có hoặc địa vị khi còn sống. Các tảng đá sa thạch vàng kết nối với nhau không bằng bột trét dính hay xi măng, mà nó được lắp ghép lại với nhau một cách khít khao bởi sự điêu luyện của người cắt đá khi xây dựng …