• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

Khám phá những góc ‘sống ảo’ tại Huế

Với những địa điểm check-in đa dạng từ cổ điển đến hiện đại, Huế dường như đẹp trong mọi góc hình.

Trường Quốc Học Huế

Tọa lạc bên dòng Hương, ngôi trường màu đỏ là điểm nhấn giữa thành phố Huế thơ mộng. Trường THPT Quốc học Huế được xây dựng dưới thời vua Thành Thái (1896), với diện tích 4.237 m2. Đây là trường Pháp -Việt của toàn xứ Đông Dương và là trường trung học đầu tiên ở Huế. Du khách có thể chụp ảnh ở hành lang, sân trường, ngồi trên ghế đá hay dưới gốc phượng đỏ rực rỡ… để có những bức hình đẹp.

Rừng ngập mặn Rú Chá

Đây là rừng ngập mặn nguyên sinh trên phá Tam Giang, thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà. Trong tiếng địa phương, “rú” nghĩa là rừng, còn “chá” là cây chá ở vùng ngập mặn. Vào mùa thu, những cây chá trổ bông màu vàng rực rỡ, mang lại diện mạo mới cho cả khu rừng.

Tại đây, du khách thường check-in ở con đường bê tông sâu hun hút với hai hàng cây bao bọc xung quanh. Để tới nơi này từ trung tâm thành phố, du khách chạy dọc theo đường quốc lộ 49 sẽ thấy bảng chỉ dẫn rẽ trái theo hướng đi cầu Tam Giang, đi thêm khoảng 4 km.

Cầu Trường Tiền

Xứ Huế có cây cầu Trường Tiền bắc qua dòng Hương thơ mộng, từ lâu đã xuất hiện trong thơ ca như nét đẹp biểu trưng của cố đô. Ban ngày, cây cầu trắng trầm ngâm soi bóng xuống dòng Hương. Vào chiều tà, du khách có thể đi bộ ngắm ráng hoàng hôn, bởi sông Hương được xem là nơi đón hoàng hôn đẹp nhất xứ Huế. Hay nếu ghé đây vào ban đêm, sẽ được check-in với những nhịp cầu mang sắc màu rực rỡ từ những ánh đèn.

Không gian Lưu niệm Lebadang

Là địa điểm check-in mới nổi tại Huế. Với diện tích hơn 16.000 m2, đây được xem là bảo tàng nghệ thuật hiện đại, và duy nhất ở Huế. Nơi này trưng bày các tác phẩm của danh họa Lê Bá Đảng (nghệ danh Lebadang), người được tôn vinh với danh xưng “họa sư bậc thầy của hai thế giới Đông – Tây”. Không gian kiến trúc và cảnh quan của bảo tàng là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thiên nhiên. Tòa nhà trưng bày được thiết kế với trắng tinh khôi, nổi bật trong không gian sân vườn xanh mát.

Làng hương Thủy Xuân

Cách thành phố Huế khoảng 7 km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân nằm ngay chân đồi Vọng Cảnh, trên con đường đến thăm lăng Tự Đức. Đây là nơi check-in yêu thích của nhiều du khách bởi có góc chụp đầy nghệ thuật từ những bó chân hương được xếp thành các bông hoa đủ màu sắc. Đến đây, du khách có thể thoải mái tạo dáng, mượn nón, quạt… làm phụ kiện chụp ảnh bởi những người bán hàng rất nhiệt tình.

Nhà thờ Phủ Cam

Là nhà thờ lâu đời nhất xứ Huế. Chính thức hình thành vào năm 1682 nhưng sau nhiều thế kỷ xây dựng, nhà thờ mới có diện mạo như hiện nay. Điểm nổi bật của nhà thờ là hai tháp chuông vươn lên cao vút giữa nền trời xanh ngát. Nguyên liệu đá thô nhuốm màu thời gian cũng mang lại vẻ ngoài cổ kính cho nhà thờ Phủ Cam. Đến đây, du khách có thể ngồi ở những bậc thang phía trước, đi lại tạo dáng trước sân để có những bức hình đẹp.

Đồi Thiên An

Được mệnh danh là “Đà Lạt giữa lòng xứ Huế”, nơi đây thu hút du khách bởi rừng thông xanh mát và con đường dốc ngoằn ngoèo đậm chất thơ. Đồi cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km, thuộc địa phận xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. Đặc biệt, sau khi bộ phim “Mắt biếc” công chiếu, đồi Thiên An được nhiều người biết đến hơn và trở thành điểm check-in của nhiều du khách. Để có những bức hình đẹp, có thể tạo dáng tại con đường dốc hoặc đi bộ vào các đường mòn nhỏ hai bên bìa rừng.

Cung An Định

Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu, được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1917. Khác với nhiều công trình kiến trúc nhà Nguyễn, cung An Định có những dấu ấn của dòng kiến trúc tân – cổ điển. Đến đây, du khách như lạc vào một lâu đài châu Âu với các chi tiết trang trí tinh xảo, tỉ mỉ. Ban đầu, cung có khoảng 10 công trình, trải qua thời gian, nay chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Ảnh được chụp từ phía sau Lầu Khải Tường.

Đại Nội Huế

Đại Nội là nơi mà hầu như không một du khách nào bỏ qua trong hành trình đến xứ Huế. Tại đây, du khách có thể check-in tại cổng Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng, Kỳ Đài, Phu Văn Lâu, hành lang đỏ được sơn son thếp vàng, cửa Hiển Nhơn… hay có thể trải nghiệm “biến hình” về thời phong kiến khi mặc thử trang phục cung đình. Mang giá trị cao về nhiều phương diện, quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới vào năm 1993. Ảnh: Ngọc Trân.

Biển Thuận An

Biển Thuận An thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cách thành phố Huế chỉ 15 km, Thuận An là nơi người dân xứ Huế và khách du lịch thường đến hóng mát và tắm biển vào mùa hè. Sau một ngày dài tham quan Đại Nội, lăng tẩm… ở Huế, du khách có thể ghé về đây đón hoàng hôn, tắm biển và thư giãn. Nơi đây còn từng được vua Thiệu Trị xếp vào cảnh đẹp thứ 10 trong “Thần kinh nhị thập cảnh”.

Bài và ảnh: Ngân Dương (VNExpress)