Đền Đại Niết Bàn được xây tại thánh tích Câu Thi Na để tôn thờ xá lợi của Đức Phật, đồng thời để kỉ niệm nơi Đức Phật đã xả bỏ báo thân sanh diệt, an trú vào niết bàn bất diệt. Ngôi đền Đại Niết Bàn to lớn có chiều cao khoảng 45m, đường kính khoảng 10m. Đây là một ngôi đề có màu trắng, xây kín xung quanh, không có cửa ra vào. Đền được xây trên một nền gạch cao khoảng 2,7m có hình tròn trụ, với mái hình vòm tròn, phía trên vòm tròn ấy được xây một khối hình trụ nhọn dần lên tận đỉnh, hình trụ ấy gồm ba tầng, cao khoảng 5,5m.
Ngôi đền này thực chất là đền mới được xây vào năm 1927, bên trong là một pho tượng Phật nằm từ thế kỷ thứ 5 thiêng liêng được khai quật vào năm 1876. Tượng có chiều dài 6 m và mô tả cảnh niết bàn của Đức Phật.
Gần mười thế kỉ trôi qua kể từ thời vua Asoka, đến thế kỉ thứ bảy, ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này thì đền Đại Niết Bàn cổ đại vẫn còn và ngài đã ghi chép trong cuốn kí sự của mình: “Về phía Tây Bắc của thành này khoảng 3 đến bốn dặm, băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), không xa về phía tây của bờ sông này, chúng ta đến một rừng cây Ta La. Cây Ta La giống như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá cây lóng lánh và trơn dịu. Nơi này có bốn cây thật cao, đây là nơi đức Như Lai đã nhập niết bàn, tại đây có tinh xá bằng gạch rất lớn. Trong tinh xá này có một tượng đức Phật nhập niết bàn, ngài nằm quay đầu về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá này là bảo tháp do vua A Dục xây dựng, mặc dù đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 60 mét”.