
Đảo Rùa là một trong rất nhiều hòn đảo nhỏ trong quần thể các đảo bao quanh Bali. Do là nơi có điều kiện và luồng biển thích hợp nên nơi đây trở thành nơi sinh sống của rùa. Người dân nơi đây có tập quán đánh bắt, săn bắn và ăn thịt rùa. Có thời gian, cá thể rùa trên đảo lên đến hàng trăm nghìn con, là nguồn sinh sống và thu nhập chính của người dân địa phương. Song, theo thời gian, do bị săn bắt nhiều, số lượng rùa giảm mạnh đến mức gần như tuyệt chủng. Trước tình hình đó,
một số người dân địa phương đã thuyết phục chính quyền địa phương và người dân trong vùng cùng chung tay bảo vệ rùa. Mọi người tìm những chú rùa mắc bệnh hoặc trôi dạt đến đảo và đưa về nhà chăm sóc, cho rùa đẻ trứng, ấp nở rồi đưa chúng về với biển khơi. Dần dần, đảo rùa trở thành trung tâm lưu trữ, bảo tồn hàng nghìn loài rùa và thu hút khoảng 10.000 khách du lịch mỗi tháng.
Ngày nay trên đảo rùa có khoảng 50.000 con rùa sống tự nhiên, tùy theo mùa số lượng này có thể nhiều hơn. Trong đó du khách thường gặp 6 loài rùa sinh gồm: Olive, Green, Hank Bill, Leather Beck, Logger Head, Flat Beck. Tên của các loài rùa thường do người dân địa phương đặt, phụ thuộc vào đầu cổ hoặc mai rùa. Trên đảo không những đa dạng về các chủng loại rùa mà còn đa dạng về độ tuổi của chúng, từ vài tháng tuổi đến cả trăm tuổi, thậm chí có loại hơn 200 tuổi. Đặc biệt hơn có rất nhiều loài đang nằm trong sách đỏ được cư dân cùng chính quyền nơi đây ra sức bảo vệ. Nằm ẩn mình trong vùng biển nhỏ, nhưng đảo Rùa vẫn được biết đến không chỉ bởi số lượng rùa mà còn bởi sự đa dạng về sinh thái. Ngoài rùa, hòn đảo này hàng năm đón nhận nhiều loài chim về đây làm tổ cùng với đó là sự đa dạng của nhiều loại động thực vật trên đảo. Đến với đảo Rùa, du khách có thể bắt gặp những chú rùa đang vùi mình để trứng hoặc gặp bắt gặp hình ảnh chúng đang đùa giỡn với du khách, rất dạn dĩ và thân thiện, chính những cư dân vui tính này đã mang du khách đến với đảo Rùa ngày càng nhiều hơn.