Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman của Vương quốc Hồi giáo Brunei được xem là lớn nhất thế giới hiện nay, với tổng diện tích sàn lên đến 200.000 m², vượt xa Cung điện Hoàng gia Madrid – Tây Ban Nha (134.999 m²) và Cung điện Buckingham – Anh (77.000 m²). Trên thực tế, thế giới cũng từng biết đến Cung điện Topkapi – Thổ Nhĩ Kỳ với diện tích 696.773 m², nơi ở chính của các Sultan Ottoman trong khoảng 400 năm (1465-1856) với triều đại kéo dài 624 năm của họ, nhưng cung điện này đã được sử dụng làm bảo tàng từ năm 1924 đến nay.

Tên “Istana Nurul Iman” có nguồn gốc từ “Astane” trong ngôn ngữ Ba Tư và “Nur-ol-Imaan” trong ngôn ngữ Ả Rập, có nghĩa là “Cung điện ánh sáng của đức tin”. Cung điện Istana Nurul Iman là biểu tượng cho quyền lực của Quốc vương và sự giàu có của quốc gia dầu mỏ Brunei, được xây dựng tại Jalan Tuton, phía Nam thủ đô Bandar Seri Begawan và cách thủ đô chỉ vài dặm đường, trên một ngọn đồi nhiều cây cối tại hạ lưu dòng sông Brunei. Nhìn từ xa, cung điện nổi bật với kiến trúc màu trắng và mái vòm bằng vàng lộng lẫy thấp thoáng giữa những hàng cây xanh…

Cung điện Hoàng gia được thiết kế bởi kiến trúc sư tài danh Leandro V. Locsin người Philippines, việc xây dựng được thực hiện bởi Công ty xây dựng quốc tế Ayala International (Philippines), phần nội thất được thiết kế bởi Khuan Chew và KCA International. Cung điện Istana Nurul Iman có 1.788 phòng, trong đó bao gồm 257 phòng tắm, 5 bể bơi, một phòng tiệc có thể mở rộng để chứa 5.000 khách, một nhà thờ Hồi giáo có sức chứa 1.500 người. Toàn bộ công trình có 44 cầu thang và 18 thang máy trên tổng diện tích sàn lên đến 200.000 m², chưa kể khu nuôi ngựa và khu để ô tô. Để chiếu sáng cho công trình nguy nga này, đã phải sử dụng đến 564 đèn chùm, 51.000 bóng đèn. Tất cả các phòng, đặc biệt phòng làm việc của Quốc vương đều được trang trí nội thất cao cấp, sang trọng với thiết kế tinh xảo, được làm từ vàng, bạc và các loại đá qúy… Công trình cung điện hoàn thành vào năm 1984 với tổng chi phí 1,4 tỷ USD.