• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

Cửa hàng nghìn năm tuổi và nghịch lý ở Nhật Bản

Hôm 23/3, Business Insider có bài phóng sự về Ichimonjiya Wasuke, cửa hàng nghìn tuổi ở Kyoto. Câu chuyện của họ đã nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. Việc cửa hàng tồn tại hơn 1.000 năm và bán duy nhất một món ăn không phải điều dễ thấy ở những nơi khác trên thế giới.

25 đời bán bánh mochi Nhật Bản

Ichimonjiya Wasuke hay Ichiwa theo cách gọi của dân địa phương là cửa hàng chuyên bán aburi mochi ở đền Imamiya. Từ năm 1000, vào thời Heian, Ichiwa đã bán aburi mochi và không thay đổi cho đến ngày nay. Naomi Hasegawa hiện là người đứng đầu của cửa hàng. Món aburi mochi của Ichiwa thực chất không phải thứ quá độc đáo ở xứ anh đào. Đây là loại bánh ngọt cổ truyền và được nhiều người dân Nhật Bản ưa chuộng. Aburi mochi có thành phần chính gồm bột mì, đậu ngọt. Sau khi nặn bột, người bán xiên que nhỏ và nướng trên than đá. Tới lúc chín, họ phủ thêm lớp miso mỏng để tăng mùi thơm cho bánh.

Cửa hàng tồn tại hơn 1.000 năm dù bán một loại sản phẩm. Ảnh: Find Your Japan

Vào năm mà Ichiwa được thành lập, Nhật Bản xảy ra đại dịch. Người ta đến đền Imamiya nhằm tìm sự cứu giúp của thần linh. Tại đây, lễ hội Yasurai (cầu sức khỏe, xua đuổi bệnh tật) được tổ chức và họ dùng aburi mochi như cách để xoa dịu các thế lực siêu nhiên. Vì thế, cho tới nay, nhiều người vẫn coi aburi mochi ở đền thờ Imamiya như biểu tượng của may mắn.

Giá trị truyền thống được giữ trọn vẹn

Sau hơn 1.000 năm, hương vị truyền thống của chiếc bánh vẫn còn đó dù cách làm có chút thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại. Ban đầu, bánh của Ichiwa được làm từ gạo đun sôi với nước lấy từ con suối nhỏ gần cửa hàng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý hiện không cho phép họ sử dụng nguồn nước này nữa để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một sự thay đổi khác của Ichiwa so với ngày đầu là cách thanh toán. Ban đầu, cửa hàng cho phép khách tự phục vụ và trả tiền tùy tâm. Tuy nhiên, sau Thế chiến thứ 2, họ bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề tài chính và đổi sang niêm yết giá cho các sản phẩm. Bất chấp việc nhiều công ty khủng hoảng vì dịch Covid-19, chủ của Ichiwa vẫn khẳng định không quá bận tâm đến vấn đề tài chính – dù cửa hàng của cô cũng thiệt hại vì mất lượng khách đi đền khổng lồ. Họ đặt truyền thống và tính ổn định lên trên lợi nhuận. Theo Naomi Hasegawa, đó chính là cách giúp họ tồn tại trong cả thiên niên kỷ qua.

Truyền thống rất Nhật Bản

Ichiwa là một trường hợp khá hiếm khi tồn tại suốt hơn 1000 năm. Ở Nhật Bản, cửa hàng này được xếp vào hàng “shinise” – chỉ những công ty, doanh nghiệp hay cửa hàng hoạt động ít nhất một thế kỷ. Theo số liệu BBC đưa ra năm 2020, có khoảng 33.000 shinise trên khắp xứ anh đào. Một vài trong số này có mức độ phủ sóng toàn cầu, ví dụ như Nintendo (thành lập năm 1889). Ngay ở Kyoto, cùng với Ichiwa, quan trà Tsuen Tea cũng rất nổi tiếng. Nó đã xuất hiện từ năm 1160 và được công nhận là quán trà hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới. Hiện tại, chủ nhân của Tsuen Tea là Yusuke Tsuen (39 tuổi). “Chúng tôi tập trung vào trà và không mở rộng kinh doanh. Đó là lý do chúng tôi tồn tại lâu như thế”, ông nói.

Tsuen Tea là một quán trà có tuổi đời hơn 900 năm. Ảnh: BBC

Những cửa hàng nghìn năm mang tính lịch sử

Câu nói của Tsuen cũng phần nào lý giải nguyên nhân có tới khoảng 33.000 shinise đang hoạt động ở Nhật Bản. Yoshinori Hara, Trưởng khoa kiêm giáo sư tại trường Quản lý sau đại học thuộc Đại học Kyoto, cho biết điều cốt lõi nằm ở tính bền vững. “Người Nhật chú trọng đến tính bền vững thay vì tối đa hóa lợi nhuận nhanh chóng. Do đó, nhiều doanh nghiệp tồn tại bền bỉ như vậy. Họ có tư tưởng truyền lại di sản cho con, cho cháu và hơn thế nữa”, Hara nói. Theo BBC, chủ của Tsuen Tea thừa nhận chỉ còn có thể kế tục di sản tổ tiên để lại. Từ khi còn học mẫu giáo, điều này đã được khắc sâu trong suy nghĩ của ông.

Các shinise như Nintendo có “năng lực cốt lõi” để duy trì trước những biến động xã hội. Ảnh: BBC

Bí quyết để cửa hàng có thể tồn tại

Để tồn tại lâu đến vậy, ngoài kế thừa, Hara nhấn mạnh các shinise còn cần có thứ “năng lực cốt lõi”. Đây là khái niệm cơ bản về thứ shinise tạo ra. Nó giúp họ tồn tại ngay cả khi xã hội biến đổi không ngừng. Với Nintendo, đó là cách tạo ra niềm vui. Với Ichiwa, đó là sự may mắn gắn với ngôi đền. Hay với Tsuen Tea, tính cốt lõi lại nằm ở chất lượng trà… “Các công ty ưu tiên những giá trị như truyền thống của doanh nghiệp gia đình, tính liên tục và chất lượng thay vì chạy theo logic tài chính. Do đó, ở Kyoto, những shinise được hưởng một vị thế xã hội vượt xa các công ty gia đình khác. Họ được xem như tầng lớp tổ chức ưu tú”, Innan Sasaki, Trợ lý giáo sư tại Đại học Warwick (Anh) nói với BBC.

Nghịch lý cửa hàng nghìn năm

Sự ngưỡng mộ với tuổi đời của các shinise không thể thay đổi nhiều nghịch lý trong mô hình này. Họ đang ở trong vùng an toàn và thiếu đi sự đổi mới cần có. Mari Matsuzaki, 27 tuổi, thừa nhận gặp khó khăn khi chọn một công ty startup (khởi nghiệp) thay vì shinise. “Các công ty startup không được thừa nhận như những shinise. Rất khó để tôi giải thích với cha mẹ việc mình làm tại một công ty startup về công nghệ giáo dục. Ở các nước khác, những nhà sáng lập được đề cao vì biến thất bại thành kinh nghiệm quý giá. Tại Nhật Bản, cách đối đầu với rủi ro, thất bại lại là trận chiến mà nhiều doanh nhân cần vượt qua”, Matsuzaki nói.

Giống Tsuen Tea, chủ nhân nhiều shinise ở Nhật Bản không đặt nặng vấn đề kinh doanh. Ảnh: BBC

Cần phát huy truyền thống gia đình

Michael Cusumano, Giáo sư ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đồng ý với quan điểm này. Ông từng sống và làm việc ở Nhật Bản trong 8 năm. “Đóng cửa hay bán công ty cũng là điều gì đó thật đáng xấu hổ ở Nhật Bản. Điều này tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Do đó, các gia đình thường được khuyến khích phát triển tiếp những gì mình có. Đó là xu hướng chung”, ông nói. Tuy nhiên, dù có tiếng tăm về tuổi đời, các shinise cũng không được miễn trừ khó khăn. Công ty Kongo Gumi thành lập từ năm 578 đã đóng cửa năm 2006 do nợ nần. Theo BBC, Matsuzaki cho biết tên tuổi của shinise và sức mạnh công nghệ của startup sẽ mang đến những thành công rực rỡ hơn. Dù vậy, điều này vẫn khá mơ hồ khi chủ của các shinise chưa thay đổi quan điểm. “Tôi được sinh ra ở đây và tiếp quản công việc tổ tiên để lại. Mục tiêu của tôi không phải làm cho cửa hàng lớn hơn hay mở rộng doanh nghiệp. Tôi chỉ muốn nó tiếp tục tồn tại”, chủ sở hữu hiện tại của Tsuen Tea nhấn mạnh.

Hoài Anh (Zing News)