Vị trí địa lý
Chùa Hoa Yên là ngôi Chùa hành lễ chính trong hệ thống Chùa Yên Tử. Điểm đến tọa lạc trên sườn núi đầu voi, ngọn núi cao nhất của dãy núi Yên. Ngọn núi thuộc cánh cung Đông Triều. Chùa Hoa Yên ở độ cao 535m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa ở Yên Tử.
Cảnh chùa trong sương mù
Lịch sử hình thành
Chùa Yên Tử thành lập năm 1317. Nơi đây trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành. Trước đó, ngài thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (調御覺皇陳仁宗, 1258-1308).
Phật hoàng Trần Nhân Tông
Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử. Tại đó, ông làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (法螺同堅剛, 1284-1330). Đây là vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm.
Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách
Thạch thất mị ngữ (石室寐語). Đồng thời, ông cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị. Trong đó có những chùa nổi tiếng như Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều; Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)… Tại trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có Huyền Quang Lý Đạo Tái (玄光李道載, 1254-1334). Đây là vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm.
Ý nghĩa tên gọi
Chùa được xây dựng từ thời Lý, có tên là Vân Yên. Vân Yên nghĩa là mây mờ, chùa ở độ cao 600m nên những làn mây trắng mỏng bay qua, chùa lúc ẩn lúc hiện trong mây, gọi là Vân Yên tự. Thời Lê khi vua Thánh Tông lên vãn cảnh chùa, thấy cảnh trí nơi đây tuyệt đẹp, trăm hoa đua nở, mây kết thành hoa, giăng trước cửa nên đổi tên thành chùa Hoa Yên. Tên chữ là Hoa Yên tự. Tên dân gian thường gọi chùa Cả, chùa Yên Tử.
Phong cảnh bên ngoài chùa Hoa Yên
Kiến trúc chùa Hoa Yên
Tổng thể cảnh quan
Hình dáng kiến trúc chùa mang đậm nét văn hoá kiến trúc chùa thời Lý, Trần. Chùa có kết cấu hình chữ “Công”, được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài kép, riềm bò nóc trang trí hình hoa thị, có hai con Rồng miệng há to ngậm hai đầu bờ nóc bờm giống sóng nước vân mây uốn cong lên mềm mại, dưới đầu Rồng là đôi Uyên ương. Vì ruồi trang trí hình hổ phù cách điệu. Hệ thống cánh cửa bức bàn để mộc trơn không trang trí.
Chùa có kết cấu chữ Công
Bậc tam cấp chùa Hoa Yên
Nền chùa cao hơn sân và được kết cấu bậc tam cấp bằng đá, hai bên lan can đặt hai con Rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần, tạo nên sự tôn nghiêm của ngôi chùa. Không gian kiến trúc hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên tươi tốt. Phía trước chùa là ba cây Đại cổ kính trên 700 năm tuổi, thân cây gồ ghề, rêu phong, cành lá xum xuê, trông tựa như hàng nghìn bàn tay dâng những bông hoa trắng ngà thơm ngát, cúng Chư Phật mười phương và Phật Tổ Trúc Lâm.
Hình ảnh bậc tam cấp từ xa
Tượng Phật chùa Hoa Yên
Tượng thờ trong Chùa được bài trí theo Chùa Việt và Phật giáo Đại thừa. Tiền Đường: bên trái là Đức Chúa Ông, Hộ pháp Khuyến Thiện, bên phải là Thánh Tăng, Hộ pháp Trừng Ác, Quan Âm Nam Hải. Chính Điện có tam cấp thờ: cấp trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật gồm: Phật quá khứ; Phật hiện tại; Phật vị lai.
Bộ tượng Phật trong chùa
Thứ hai là bộ tượng Đức Phật Thích Ca thành đạo còn được gọi là Phật Thế Tôn hoặc Phật Niêm Hoa vì tay phải cầm bông hoa Sen giơ lên thay việc thuyết pháp bằng lời, hai bên là hai đệ tử Ma Ha Ca Diếp dáng già nua và A Nan Đà dáng trẻ. Cấp thứ ba là Toà Cửu Long. Góc bên trái hậu cung là tượng Địa Tạng Bồ Tát, góc bên phải là tượng Quan Âm Chuẩn Đề .
Các công trình lân cận khác
Từ Chùa Hoa Yên, đi về bên phải khoảng 200m tới thác Ngự Dội, Am Thiền Định, Đường Tùng, Vách núi thạch thảo, rồi tới Thác Vàng. Đi về bên trái khoảng 200m tới chùa Một Mái thượng sơn lên chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu rồi lên An Kỳ Sinh, Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tới Chùa Đồng hoặc đi theo sườn núi qua Nhà ga Cáp treo 3 để tới Am Diêm, Am Hoa, Thác Bạc và Am Dược, thăm những dấu tích của Thiền Phái Trúc Lâm và thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng Yên Tử.
Tượng An Kỳ Sinh Yên Tử
Chùa Hoa Yên thể hiện sự hài hòa giữa công trình kiến trúc với thiên nhiên, sự hòa hợp giữa đạo và đời. Chùa Hoa Yên là một bộ phận không thể thiếu của quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh Yên Tử mà mỗi du khách đều muốn viếng thăm khi hành hương về đất Phật.
Winway Travel