Cùng với gông cùng, xiềng xích hay những phòng giam được phục chế, Di tích Nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ một cây đào xanh tốt mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên một chiến sĩ cộng sản-Tô Hiệu. Trải qua những trận đánh phá bằng bom của giặc (Pháp đánh phá năm 1952, Mỹ đánh phá năm 1965) nhằm xóa dấu vết tội ác, Nhà tù Sơn La bị phá huỷ gần hết nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào mang Tô Hiệu vẫn như còn nguyên vẹn. Cây đào tiếp tục bám rễ, vươn cành và nở hoa mỗi dịp xuân về như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những chiến sĩ cộng sản trung kiên.
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho nghèo giàu lòng yêu nước. Tô Hiệu tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Năm 1930, ông bị giặc bắt. Sau khi bị kết án 4 năm tù, ông bị đày ra Côn Đảo. Ra tù, Tô Hiệu tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt lại vào tháng 12-1939. Sau đó giặc đưa ông lên Nhà tù Sơn La giam cùng với đoàn tù 50 người đợt ấy.
Cuối tháng 12-1939, các đảng viên trong tù đã thảo luận về việc thành lập tổ chức cơ sở Ðảng. Ban chi ủy lâm thời gồm 10 đồng chí do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư Chi bộ. Ðến tháng 2-1940, Chi bộ chuyển thành chính thức do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Ủy viên. Tháng 5-1940, tại Đại hội Chi bộ nhà tù đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư. Đến tháng 10-1941 do sức khỏe yếu đồng chí Tô Hiệu xin nghỉ Bí thư Chi bộ nhưng vẫn làm Trưởng ban Huấn luyện đào tạo của Chi bộ và là cố vấn cho Chi bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, các chiến sĩ cộng sản đã đoàn kết dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, sáng tạo, biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, thành nơi thử thách, rèn luyện ý chí đấu tranh cách mạng. Chi bộ đã linh hoạt, mềm dẻo đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối, nham hiểm và hành động xảo quyệt, man rợ của kẻ thù; bí mật liên hệ, giáo dục, giác ngộ những người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Sơn La theo Đảng, đoàn kết đứng lên cùng toàn thể dân tộc Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Hồi đó Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của Nhà tù Sơn La. Ông phải làm việc khổ sai biệt lập, không được tiếp xúc với ai ngoài lính gác. Dù bị ảnh hưởng bởi điều kiện hà khắc trong tù và bệnh lao hành hạ nhưng Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La-“Địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ, cảm tình sau đó tham gia cách mạng. Ngày 7-3-1944, Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La lúc 32 tuổi. Cây đào ở nhà tù được mang tên ông vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sĩ kiên cường.
Năm 1962, Di tích Nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia và năm 2015, Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Phát huy giá trị đó, Khu di tích tiếp tục được tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm trùng tu, tôn tạo, đầu tư khai thác, đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, tìm hiểu và học tập. Hiện tại, nhiều hạng mục ở nhà tù đã được sửa sang, tôn tạo trả lại hiện trạng vốn có của nó. Tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại hầm ngầm, xà lim ngầm, hệ thống chiếu sáng trong xà lim ngầm, trại giam lớn đã được nâng cấp. Các hiện vật được xếp đặt bài bản, trang trọng và thường xuyên được bổ sung, chỉnh lý… Đặc biệt là Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La được khánh thành dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-2017) trở thành nơi tri ân các Anh hùng, liệt sĩ; nơi tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hằng năm, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử.
Càng tự hào hơn khi sau này, một cành của cây đào Tô Hiệu đã được chiết và đưa về trồng bên Lăng Bác. Giống cây đào cũng được đưa về trồng tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhà tù Sơn La. Ngày nay, cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La luôn xanh tươi thể hiện ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng năm xưa cũng như ý chí quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sơn La nói riêng và toàn Đảng, toàn dân nói chung tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ra sức thi đua xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.