
Có tuổi thọ hơn 100 tuổi, chiếc cầu treo Hussaini trở thành cầu nối hai bên tuyến đường huyết mạch để người dân qua lại làm việc và giao lưu, ổn định cuộc sống. Theo lời của người địa phương, chiếc cầu này do một người đàn ông đứng ra xây dựng dưới sự góp sức của những cư dân trong làng để việc qua lại thuận tiện hơn, không còn phải trèo đèo lội suối nguy hiểm.
Mặc dù đây là chiếc cầu treo bằng ván được làm thủ công nhưng nó là chiếc cầu treo dài thứ hai thế giới, được kết nối từ dây thừng và những tấm ván gỗ thô sơ. Trải qua bao thời gian, những vật liệu làm nên chiếc cầu cũng trở nên mục nát dần nên bất kỳ ai đi qua đều phải thận trọng.
Cầu treo Hussaini bắt qua sông Borit xinh đẹp, vì là cầu dây văng bằng dây thừng khá lỏng lẻo nên khi đi qua nó sẽ lắc theo chiều gió. Những người địa phương khá thành thạo trong việc di chuyển vì đó đã là thói quen. Không chỉ đi một mình mà họ còn khuân vác đồ đạc nặng nhọc để mang từ vùng này qua vùng khác. Đây là chiếc cầu giúp công việc và cuộc sống của những người dân thuận lợi hơn dù nó được mệnh danh chiếc cầu nguy hiểm trên thế giới.
Bỏ ngoài những hiểm nguy đang rình rập khi đi qua chiếc cầu Hussaini ở Pakistan thì chắc chắn bạn sẽ được trả công xứng đáng bởi khung cảnh xinh đẹp tuyệt vời. Từ trên cầu có thể ngắm nhìn dãy Himalaya sừng sững phía xa xa, hồ nước trong xanh và thung lũng Hunza tràn đầy sức sống, xanh miên man.
Du khách có thể vừa kết hợp dạo bước tản bộ quanh những ngôi làng đậm chất truyền thống, vừa thưởng ngoạn cảnh sắc đẹp tựa thiên đường ở đây. Bên cạnh đó, du khách có thể thưởng thức những sản vật địa phương như mơ, nho, bánh nan, trà sữa…