Ý nghĩa tên gọi
Các du khách Côn Đảo luôn rùng mình khi biết được con số 914 không phải là một điểm mốc của lộ trình hay một thước đo quãng đường nào đó. Thực tế, đây là con sốdùng để tưởng nhớ 914 người chết khi xây dựng bến tàu này.
Cây cầu này được những người tù tại Côn Đảo xây dựng. Trong quá trình thi công, có 914 người đã ngã xuống vì núi lở, đá đè, kiệt sức. Có những người chết vì đòn roi khi chuyển đá, làm cầu tàu và kè đá dọc đường ven biển. Những phiến đá ngổn ngang sắp lớp, những tảng đá lớn hàng thước khối. Chúng có khối lượng thuộc hàng tấn. Vì thế mà khiến nhiều thân tù kiệt quệ khi họ “xeo nại” chúng từ núi Chúa về đây.
Cầu Tàu 914 Côn Đảo
Nếu không “xeo nại” được sẽ chết vì đòn, còn “xeo nại” được thì chết vì kiệt sức. Vì vậy mọi người đặt tên nơi này là cầu tàu 914. Cái tên để tưởng nhớ đến những người đã mất. Đồng thời, để nhắc nhở về tội ác của bọn thực dân.
Khung cảnh nơi Cầu Tàu 914
Nổi bật khung cảnh Cầu Tàu 914 đó là những phiến đá ngổn ngang, sắp thành lớp. Những tảng đá to lớn, thành hàng khối, rất nặng. Chúng đã ghi dấu ấn về cái chết của những người tù tội nghiệp. Đây là một nơi âm vang về một thời đau thương trong lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Cầu Tàu 914
Cầu Tàu 914 cũng chính là điểm dừng chân của hàng chục vạn người tù lên hòn đảo Côn Đảo. Đây là điểm bắt đầu cho những tủi nhục, bi thương để về Nhà tù Côn Đảo. Trại giam này là nơi nổi tiếng về chính sách hình phạt dã man của bọn thực dân, đế quốc. Có những người, chỉ một lần đặt chân lên Cầu Tàu, và chôn vùi vĩnh viễn tại nghĩa trang Hàng Dương, hàng Keo, Hòn Cau
, Cỏ Ông,…
Đầu mối liên lạc quan trọng
Nơi đây là một đầu mối liên lạc quan trọng giữa tù chính trị Côn Đảo với Đảng Xã Hội, Đảng Cộng Sản Pháp, với Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ và Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Sách lý luận, kinh điển Mác – Lênin, sách văn học, báo chí tiến bộ, nghị quyết của Quốc tế Cộng sản của Trung ương Đảng ta cùng thư từ, chỉ thị của xứ ủy… đã đến với người tù qua Cầu Tàu này.
Đây là một trong những chứng nhân lịch sử ở Côn Đảo
Cầu tàu 914 trong cách mạng tháng 8
Cầu tàu 914 Côn Đảo vào thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945 ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Đây cũng là nơi đưa 2000 tù chính trị trở về đất liền. Nhờ đó, họ có thể tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp anh dũng. Một số người đã trở thành những đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua. Cuối năm 1954, Thực dân Pháp phải đưa gần 600 tù binh và trên 1.000 tù án qua Cầu Tàu. Sau đó họ được trao trả về cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 1-5-1975, tù chính trị Côn Đảo chớp thời cơ, nổi dậy làm chủ hoàn toàn ở Côn Đảo.
Ý nghĩa lịch sử sau ngày Giải phóng Miền Nam
Ngày 4 tháng 5 năm 1975 trên chuyến tàu đầu tiên ra giải phóng Côn Đảo, 500 tấm ảnh Bác Hồ in lụa đã chuyển tới Cầu tàu 914 và được những người tù trang trọng rước về từng trại. Ít ngày sau, từng đoàn tù lần lượt tập trung ra Cầu tàu 914 Côn Đảo để trở về với đất liền, là điểm mốc chứng kiến và chấm dứt vĩnh viễn hơn thế kỷ “ địa ngục trần gian”.
Hiện đây là điểm tham quan du lịch Côn Đảo nổi tiếng, với ý nghĩa lịch sử, là cột mốc chứng kiến về một thời của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước với những mất mát, đau thương và cũng là nơi chứng kiến về sự khởi đầu cho sự tự do của những người tù khi Côn Đảo hoàn toàn giải phóng.
Cầu Tàu 914 xưa và nay
Cầu tàu nằm tại trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo. Được khởi công xây dựng từ năm 1873, với phác thảo dài 107m, bắt đầu từ mép lộ trước cổng Dinh Chúa Đảo vươn ra vịnh Côn Sơn. Qua nhiều thời kỳ sửa chữa và mở rộng kéo dài hàng chục năm, ngày nay Cầu tàu 914 có chiều dài hơn 300 m, chiều rộng gần 5 m, ở cuối cầu tàu có đoạn rộng gần 8m.
Một góc Cầu Tàu 914
Minh chứng đau thương của lịch sử Việt Nam
Di tích Cầu tàu 914 là chứng tích lịch sử còn lại trong hơn một thế kỷ qua,cái thời đau thương ấy như còn âm vang trong từng phiến đá và câu ca trường hận của tù nhân “Côn Lôn ơi. viên đá mạng người…”. Bỏ qua những thảm cảnh kinh hoàng, man rợn trong chiến tranh, Cầu tàu 914 cũng là nơi chứng kiến những giây phút vinh quang, xúc động nhất khi những lá cờ đỏ sao vàng tung bay rợp bóng vào mỗi dịp Đảo được giải phóng.
Di tích lịch sử Cầu Tàu 914
Phía đầu Cầu tàu 914, có xây một bia tưởng niệm để người dân địa phương, và những người con tìm về nguồn cội lịch sử, cùng du khách tới thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã ngã xuống nơi này. Ngày nay, Cầu Tàu 914 vừa là chỗ cho khách tham quan du lịch, câu cá, ngắm cảnh, chụp hình lúc mặt trời mọc vừa là chỗ cho ghe tàu mỗi buổi sớm cập bến cung cấp các loại hải sản cho Côn Đảo.
Tuyền Phan (Thiên Việt Tour)