• 228 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • (84) 903 396 676 / (84) 2862 910 602
  • info@winway.vn

Cầu Cổng Vàng – Golden Gate

Cầu Cổng Vàng (Cầu Golden Gate) bắc qua eo biển Golden Gate dài 4,8 km nối liền Mũi đất Marin với thành phố San Francisco, được hoàn thành vào năm 1937 sau bốn năm xây dựng đầy hiểm nguy và phức tạp, cây cầu là minh chứng cho tài năng và trí tuệ của con người khi đã tạo nên công trình để đời này. Vào cuối thế kỷ 19, San Francisco là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ và nhanh chóng trở thành một đô thị lớn. Thế nhưng với việc xuất hiện những chiếc xe hơi có giá thành hợp lý, cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận tiện nhanh chóng khiến sự phát triển của San Francisco bị chậm lại và dần ngưng trệ. Thời kỳ đó, phà là phương tiện giao thông phổ biến để qua lại eo biển. Chính vì vậy, nhiều người đề xuất xây dựng một cây cầu để nối San Francisco với hạt Marin. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không thể xây dựng một cây cầu như vậy trên eo biển Golden Gate bởi nơi đây có thủy triều mạnh, nước sâu lại thường xuyên có những cơn gió mạnh thổi qua và lớp sương mù dày đặc sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng và đi vào hoạt động của cây cầu. Mãi cho đến năm 1916, James Wilkins – một sinh viên kỹ thuật đã đưa ra một đề xuất có tính khả thi nhưng không nhận được sự đồng thuận của Hội kỹ sư thành phố bởi chi phí xây dựng quá lớn, ước tính lên đến 100 triệu USD (khoảng hơn 2 tỷ USD ngày nay). Tuy nhiên một kỹ sư đầy nhiệt huyết là Joseph Strauss, người trước đó đã xây dựng hàng trăm chiếc cầu kéo mà đa phần là ở trên đất liền, tin rằng công trình này có thể thực hiện được và đứng ra vận động xây dựng cây cầu. Để được chấp thuận xây dựng, thiết kế ban đầu đã được thay đổi thành thiết kế cầu treo theo yêu cầu của Hải quân Mỹ và trình độ kỹ thuật luyện kim lúc bấy giờ. Sau rất nhiều nỗ lực chuẩn bị và thuyết phục các bên liên quan, cây cầu chính thức được xây dựng vào năm 1933 với kinh phí khoảng 35 triệu USD do Joseph Strauss làm Kỹ sư trưởng với sự giúp sức của các chuyên gia có kinh nghiệm về thiết kế cầu treo. Trong quá trình xây dựng, Strauss đã cho sử dụng một tấm lưới an toàn đặt bên dưới công trường để bảo đảm an toàn cho các công nhân, tuy nhiên vẫn có những tai nạn đáng tiếc, 11 người đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng cầu, bên cạnh đó có 19 người đã được cứu sống nhờ tấm lưới an toàn. Ngoài ra, giàn giáo xây dựng cột trụ phía Nam (được xây sâu 33 m dưới đáy biển) cũng đã bị gãy đổ hai lần, đồng thời việc xây dựng dưới nước đã đặt những công nhân xây dựng vào điều kiện làm việc vô cùng nguy hiểm.Thế nhưng với ý chí cùng sự lao động không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của đội ngũ công nhân và kỹ sư, sau hơn 4 năm làm việc, cây cầu đã được hoàn thành vào ngày 27/05/1937. Vào thời điểm đó, cầu Cổng Vàng là cây cầu treo dài nhất thế giới (cho đến khi cây cầu Verrazano-Narrows ở New York chiếm lấy ngôi vị này vào năm 1964). Lễ khánh thành cầu kéo dài hơn một tuần và có khoảng 200.000 người đã đi qua cây cầu trước khi giao thông chính thức được lưu thông trên đó. Kể từ khi được hoàn thành, sắc cam nổi bật giữa mây trắng, nền trời biển trong xanh của cây cầu đã xuất hiện trong vô số các bộ phim và các ca khúc nổi tiếng. Cầu Cổng Vàng cùng với Tượng Nữ thần Tự do đã trở thành những biểu tượng văn hóa đại chúng nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Chính bởi thiết kế duyên dáng và điều kiện xây dựng không mấy thuận lợi mà cây cầu luôn được tôn vinh là một kiệt tác kỹ thuật của con người. Ngày nay, sau hơn 80 năm tồn tại, cây cầu vẫn tiếp tục đón hàng triệu người qua lại mỗi năm và luôn nằm trong top những cây cầu đẹp nhất, được chụp ảnh nhiều nhất thế giới. Đến du ngoạn Hoa Kỳ và có dịp ghé thành phố sương mù San Francisco thì đừng quên đến thăm cây cầu nổi tiếng này nhé.