Âm Linh tự là một công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp ở Việt Nam. Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến.
Thân thế những vong hồn ở Âm Linh Tự
Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Có thể họ có gia đình, bà con, thân tộc. Tuy nhiên, khi lưu lạc, mưu sinh thình lình gặp tai ương hay tật bệnh rồi lìa đời. Khi họ mất, thân nhân chẳng được báo tin. Vì thế họ vô tình trở thành những âm linh cô độc. Ở Âm Linh Tự còn có những linh hồn chiến sỹ trận vong. Vì bối cảnh ác liệt của chiến trường nên xác thân không còn tìm được.
Bên cạnh đó, nơi đây còn thờ cúng những bậc tiền hiền khai phá ra vùng đất đảo. Đồng thời, cũng thờ những người lính hải đội Hoàng Sa hy sinh khi làm nhiệm vụ trên biển.
Kiến trúc Âm Linh Tự
Đền thờ Âm Linh tự được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII. Phía sau lưng tựa vào núi Hòn Tai, mặt chính diện nhìn ra biển. Ban đầu đền không có mái che, các án thờ được bố trí như ngày nay. Đền xây bằng đá san hô, vữa hồ. Không gian thờ phụng bên trong di tích được bố cục thành 3 gian. Trong đó gồm gian giữa thờ thần, gian hai bên thờ tả ban và hữu ban.
Khu vực thờ phụng có 3 gian
Tục đắp mộ gió
Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ. Tại đó, những ngôi mộ đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của ông. Trong một lần ra Hoàng Sa, cai đội Ảnh cùng đồng đội đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.
Mộ lính Hoàng Sa trước Âm linh tự
Tượng những người lính Hoàng Sa
Xót thương những con người vì nước quên thân, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng cũng phụng mệnh theo đoàn người ấy. Ra đến đảo, ông sai người lên núi Giếng Tiền lấy đất sét đem về. Sau đó, ông tự nặn khối đất thành hình nhân 25 người đã chết. Cứ theo lời kể của thân nhân vị pháp sư nặn tượng hình người quá cố, đến khi nào người thân bảo rằng đã giống người chết mới thôi.
Nặn xong 25 tượng đất của 25 người lính, pháp sư lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng rồi sai dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ.
Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận
Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn, ngoài Phạm Quang Ảnh, còn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật… Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó lại không còn tên tuổi. Họ thực sự là những nghĩa liệt sỹ hy sinh vì nước mà không màng đến việc lưu danh trong sử sách.
Nơi đây được công nhận di tích lịch sử quốc gia
Di tích Quốc gia về lịch sử, văn hóa
Từ bao đời nay, mộ gió của những người lính Hoàng Sa suốt dặm dài lịch sử vẫn được người dân đất đảo hương khói, chăm nom để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân giữ cõi, bỏ mình trên khói sóng phong ba. Âm linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia, theo Quyết định số 41/2007/QĐ-VHTT ngày 3/8/2007.