Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những điểm đến nổi bật ở Hong Kong. Chúng không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn mang tính lịch sử cao.
Điểm đến mang tính nghệ thuật
Tổ hợp gallery Tai Kwun: Từng là sở cảnh sát trung tâm, kiến trúc sư Herzog de Meuron biến Tai Kwun thành một tổ hợp gallery hiện đại. Các tòa nhà mới nối nhau bởi hành lang tinh tế, cầu thang bê tông điêu khắc, hài hòa với bức tường của nhà tù Victoria cũ. Ngày nay, Tai Kwun thu hút nhiều lượt tham quan. Tại đây, bạn có thể ghé qua những quán bar, nhà hàng độc đáo, thưởng thức các buổi hòa nhạc, kịch nghệ và check-in “sống ảo”.
Ảnh: Tai Kwun.
Các di tích lịch sử
Tòa nhà PMQ: PMQ là tòa nhà được xếp hạng bảo tồn cấp III, trước đây là ký túc xá dành cho sĩ quan cảnh sát cấp cao. Ngày nay, PMQ là không gian nghệ thuật, khu phức hợp gồm nhiều studio, cửa hàng và văn phòng. Nơi đây có kiến trúc độc đáo với các bậc thang bằng đá granite, những bức tường và lối vào xây bằng gạch vụn, xen lẫn các tấm kính chống tia UV. Tại PMQ, du khách có thể mua các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Hong Kong cũng như những món quà lưu niệm tinh tế.
Ảnh: PMQ.
Tòa nhà nghệ thuật Fringe Club: Fringe Club là tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận, không chỉ là ngôi nhà chung của các nghệ sĩ mới nổi, mà còn mang đến không gian thưởng thức nghệ thuật đương đại có tuổi đời hơn 30 năm. Được xây dựng vào năm 1892 bởi một sĩ quan quân y người Scotland, tòa nhà này từng là kho lạnh và bị bỏ hoang trước khi chuyển thành Fringe Club vào năm 1983.
Ảnh: Fringe Club.
Nhà máy dệt may The Mills: The Mills là kết quả cải tạo từ các nhà máy dệt của Tập đoàn Nan Fung thành trung tâm văn hóa và không gian bán lẻ. Trong những năm 1950, Hong Kong (Trung Quốc) nổi tiếng với ngành công nghiệp dệt may, nổi bật trong đó là tổ chức tư nhân Nan Fung Textiles. Hoàn thành vào năm 2018, The Mills có ý nghĩa tôn vinh lịch sử vang bóng một thời của ngành công nghiệp dệt, đồng thời hướng đến một Hong Kong đổi mới trong tương lai. Ảnh: The Mills.
Những sự cải tạo kiến trúc thu hút du khách
Nhà máy The Mills là sự kết hợp giữa các tính năng hiện đại với kiến trúc truyền thống. Các cây cầu bằng kính được xây dựng để nối những nhà máy biệt lập. Song, nơi đây vẫn giữ lại các cầu thang cũ. Khung cửa sổ cũ và các xô cát phòng cháy, chữa cháy được biến thành tấm biển trang trí.
Ảnh: The Mills.
Những nét kiến trúc đầy màu sắc
618 Shanghai Street: Phố Thượng Hải ban đầu là con đường dọc theo bờ sông với các bến phà ở cuối đường. Năm 1855, khu vực này được cải tạo và thu hút nhiều người đến sống. Điểm đến này là đoạn gồm 14 tòa nhà cũ, được cơ quan quy hoạch đô thị cải tạo. Trong số 14 ngôi nhà, có 10 căn là tong lau – kiểu nhà chung cư Trung Hoa có ban công. Còn 4 tòa nhà còn lại được xây thời hậu chiến. Ảnh: 618 Shanghai Street – Cơ quan Cải tạo Đô thị.
Các bức tường bên ngoài tòa nhà ban đầu xây bằng gạch đỏ. Sau đó, cư dân tân trang lại với các màu khác nhau. Trong quá trình bảo tồn, người ta giữ lại những màu sơn này. Dự án cải tạo này hoàn thành năm 2020. Hiện nay, nơi này là khu mua sắm và nhà hàng với không gian thoáng đãng.
Ảnh: Lu Tang Lai Architects.
Tòa nhà di sản ở Hong Kong
Tiệm cầm đồ The Pawn: The Pawn là tòa nhà di sản từ thế kỷ XIX. Đây từng là tiệm cầm đồ Hòa Xương nổi tiếng ở địa phương. Có từ trước chiến tranh, đây là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Trung Hoa và phương Tây.
Nhà Xanh – Tòa nhà mang tính lịch sử của Hong Kong
Nhà Xanh: . Nổi bật với màu xanh dương rực rỡ, Nhà Xanh có 4 tầng, xây theo phong cách Lĩnh Nam. Toàn bộ chi tiết nguyên bản đều được giữ lại trong quá trình trùng tu.
Ảnh: Khu định cư St. James – Viva Blue House.
Cụm Nhà Xanh ban đầu là bệnh viện địa phương. Sau đó, nơi đây được chuyển thành đền thờ vị thần y học Wah To”. Đó là một bảo tàng văn hóa, là điểm tổ chức chiếu phim, triển lãm, hòa và hội thảo.
Ảnh: Khu định cư St. James – Viva Blue House.
Giang Ngân Nhi (Zing News)